Cuốn sách “Hành trình văn hoá tiền sử Việt Nam” là tập hợp một số công trình tiêu biểu của nhà khảo cổ học Bùi Vinh sau gần 40 năm điền dã và nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam, được tập thể cán bộ Phòng Thời đại Đá, Viện Khảo cổ học tập hợp, biên tập cho xuất bản vào tháng 11 năm 2007 tại Nhà xuất bản Khoa học xã hội, mừng ông tròn 60 tuổi.
Đến với cuốn sách này, chúng ta có dịp cùng tác giả hành trình vào các nền văn hoá Việt Nam thời tiền sử, mà ông đã từng gắn bó, trong đó trước hết và quan trọng nhất là văn hoá Đa Bút.
Di chỉ Đa Bút (Thanh Hoá) đã được E.Patte khai quật năm 1926-1927. Và 50 năm sau, năm 1977, tác giả Bùi Vinh đã khai quật di chỉ Gò Trũng và phát hiện ra rằng, đồ gốm Gò Trũng giống hệt gốm Đa Bút, nhưng đồ đá thì tiến bộ hơn. Năm 1979, ông lại tiếp tục khai quật di chỉ Cồn Cổ Ngựa. Một cây cầu nối Đa Bút với Gò Trũng đã được xác lập. Diện mạo một văn hoá khảo cổ - văn hoá Đa Bút đã được Bùi Vinh đề xuất và nhanh chóng được giới khảo cổ học Việt Nam chấp thuận. Sau đó, ông và các đồng nghiệp còn khai quật thêm các địa điểm Bản Thuỷ, Làng Còng, Hang Sáo… Tác giả cho rằng, văn hoá Đa Bút là một văn hoá khảo cổ, phân bố ở đồng bằng ven biển Thanh Hoá – Ninh Bình, có đặc trưng ổn định về di tích và di vật.
Không dừng lại ở đó, ông mở rộng sang nghiên cứu các văn hoá cổ hơn, muộn hơn và tương đương với văn hoá Đa Bút. Ông tiên phong thám sát hang Bó Lấm, khai quật hang Dơi (Lạng Sơn), hang Đán Cúm, hang Nà Chảo (Hà Giang), hang Đồng Trương (Nghệ An), góp phần làm rõ một số vấn đề Sơ kỳ Đá mới Việt Nam. Tác giả cũng là người đi đầu trong việc khai quật, nghiên cứu và xác lập một số văn hoá Hậu kỳ Đá mới ở miền núi phía bắc Việt Nam, như văn hoá Mai Pha (Lạng Sơn), văn hoá Hà Giang (Hà Giang), văn hoá Bản Mòn (Sơn La).
Tại Nghệ Tĩnh tác giả đã khai quật các di chỉ Đền Đồi, Phái Nam và góp phần nhận thức lại văn hoá Quỳnh Văn. Tiếp theo là các cuộc khảo sát ở các đảo Quảng Ninh như khảo sát các di tích văn hoá Hạ Long, khai quật hang Bồ Chuyến, và phát hiện ra yếu tố Tiền Đông Sơn và Đông Sơn trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.
Có thể nói tác giả đi nhiều, viết nhiều và dành nhiều sức lực và trí tuệ cho những vấn đề mấu chốt nhất của thời đại đá Việt Nam.
Với bề dày 458 trang, khổ 14,5x20,5cm, gồm 30 bài viết đề cập đến văn hoá Đa Bút, các văn hoá tiền sử Việt Nam và một số vấn đề khảo cổ học Việt Nam, cuốn sách mang lại nhiều kiến thức và thông tin hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu diễn trình văn hoá tiền sử Việt Nam chặng đường thời đại đá mới.
Xin trân trọng giới thiệu!
Minh Thuỷ (lược thuật)