Hiện đại hoá xã hội đang là một trong những vấn đề triết học xã hội cấp bách, mang tính thời sự, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn. Trên thế giới những nghiên cứu trực tiếp về các quá trình hiện đại hoá xã hội được bắt đầu cách đây vài thập kỷ. Tuy nhiên, cho đến nay những cuộc tranh luận về các quá trình hiện đại hoá đang ngày càng trở nên sôi nổi và không ngừng mở rộng. Nhiệm vụ kiến giải các hiện tượng mới của đời sống kinh tế, xã hội nói chung, việc chính xác hoá, hoàn thiện và phát triển các quan niệm về hiện đại hoá xã hội cho phù hợp với điều kiện và tình hình mới nói riêng, là một đòi hỏi tất yếu.
Chính vì vậy tháng 1 năm 2008, Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho xuất bản cuốn sách “Hiện đại hoá xã hội vì mục tiêu công bằng ở Việt Nam hiện nay” dày 238 trang, khổ 14,5x20,5cm do PGS.TSKH. Lương Việt Hải chủ biên. Sách gồm 3 chương. Chương I đề cập đến các quan niệm cơ bản về hiện đại hoá xã hội và nêu đặc điểm, nội dung của quá trình hiện đại hoá xã hội ở nước ta hiện nay. Chương II phân tích tính công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và công bằng xã hội là mục tiêu tất yếu của tiến trình hiện đại hoá xã hội. Chương III trình bày một số giải pháp đẩy nhanh tiến trình hiện đại hoá vì mục tiêu công bằng xã hội là: đẩy nhanh nhịp độ phát triển toàn diện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và thực thi đầy đủ, hợp lý các chính sách xã hội; nâng cao hơn nữa vai trò của Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong tiến trình hiện đại hoá vì mục tiêu công bằng xã hội.
Việc phân tích các quá trình kinh tế, xã hội ở nước ta từ trước đến nay chủ yếu là dựa trên hình thái kinh tế, xã hội. Điều đó hoàn toàn đúng, đảm bảo tính khách quan, khoa học, hiệu quả. Tuy nhiên trong thời đại ngày nay cần sử dụng thêm các cách nhìn, cách phân tích khác. Bởi chúng có thể bổ sung, làm phong phú thêm nhận thức của chúng ta về các quá trình xã hội. Ở cuốn sách này, bước đầu các tác giả xem xét một khía cạnh đặc thù riêng của Việt Nam có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Đó là hiện đại hoá xã hội vì mục tiêu công bằng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Những phân tích ở đây chủ yếu được tiến hành từ góc độ “bên trong”, xuất phát từ nội dung của các quá trình hiện đại hoá xã hội, chưa tính đến góc độ “bên ngoài”.
Xin trân trọng giới thiệu với các bạn. Hy vọng cuốn sách được dùng làm tài liệu tham khảo cho những ai quan tâm đến vấn đề hiện đại hoá xã hội.
Minh Thuỷ