Di tích khảo cổ Thôn Tám nằm trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, thuộc địa phận thôn Tám, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, có tọa độ: 120 42’14.3”N; 1070 48’32.7”E. Di tích phân bố trên những đồi gò thấp, bao bọc xung quanh bởi vùng đầm trũng, các khe suối thuộc lưu vực sông Srêpốk – một trong những hệ thống sông lớn của vùng Tây Nguyên. Di tích Thôn Tám được phát hiện năm 2005, khai quật lần thứ nhất năm 2006, khai quật lần thứ hai năm 2013 và phúc tra năm 2015.
Dựa trên kết quả các đợt điều tra và khai quật, các nhà nghiên cứu khảo cổ bước đầu đánh giá khu vực gò đồi thấp Thôn Tám là di tích cư trú – chế tác công cụ đá basalte và silic của các cư dân thuộc giai đoạn Trung kỳ Đá mới ven sông Srêpốk. Đây là di tích Trung kỳ Đá mới ngoài trời đại diện tiêu biểu cho một cơ tầng đá mới sớm trước giai đoạn Hậu kỳ Đá mới – Sơ kỳ Kim khí của vùng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, tất cả những hoạt động khảo cổ tại đây chỉ mới chú trọng vào công tác khai quật nghiên cứu, khu di tích khảo cổ chưa được khoanh vùng bảo vệ, bảo tồn và xây dựng hồ sơ khoa học trình cấp thẩm quyền xếp hạng. Di tích đã và đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hoạt động canh tác nông nghiệp của người dân nơi đây.

Hoạt động khai quật thăm dò tại thực địa
Nhằm thu thập tài liệu về quy mô, phạm vi phân bố di chỉ, làm cơ sở khai quật bảo tồn tại chỗ, tiến tới xây dựng hồ sơ di tích khảo cổ Thôn Tám trình cấp thẩm quyền xếp hạng; xây dựng cơ sở khoa học đề xuất đưa di tích khảo cổ Thôn Tám vào tuyến du lịch trọng điểm của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO, từ đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh, giá trị di tích gắn liền với hình ảnh, danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; từ tháng 2 – 3/2022, Bảo tàng tỉnh Đắk Nông phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên thực hiện chương trình thăm dò địa điểm Thôn Tám.

Hố thăm dò 22.TT.H3
Đoàn công tác đã tiến hành đào 04 hố thăm dò với tổng diện tích 16m2. Kết quả khai quật cho thấy tầng văn hóa là lớp trầm tích đất basalte, dày 0,3 – 0,6m, chứa công cụ ghè đẽo, công cụ hình bầu dục, rìu ngắn, phác vật công cụ hình bầu dục, đá nguyên liệu, mảnh tước, hạnh đá, mảnh gốm; không phát hiện di cốt động vật. Trong tầng văn hóa, đoàn khảo sát phát hiện dấu tích các cụm đất nung. Các dấu tích văn hóa, hiện vật khảo cổ được xử lý theo hướng bảo tồn nhằm phục vụ công tác bảo tồn và trưng bày tại chỗ.

Lãnh đạo Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Bảo tàng tỉnh Đắk Nông và Ủy ban nhân dân xã Đắk Wil thăm đoàn công tác và hố thăm dò
Kết quả thăm dò di tích Thôn Tám năm 2022 là cơ sở khoa học để Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên phối hợp xây dựng hồ sơ di tích trình cấp có thẩm quyền xếp hạng và xây dựng phương án bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với quảng bá hình ảnh Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.