Phát hiện các địa điểm tiền sử ở huyện Đắk Glong và Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) năm 2019

21/02/2020
Kết quả điều tra khảo cổ học huyện Đắk Glong và Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) năm 2019

Đầu năm 2019,  Bảo tàng tỉnh Đắk Nông phối hợp Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, tiến hành khảo sát khảo cổ học tại các huyện Đắk Glong và huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Mục đích cuộc khảo sát nhằm phát hiện mới các di tích, di vật trên địa bàn; từng bước hệ thống hóa các thông tin về di tích và di vật khảo cổ học tại 2 huyện được điều tra và tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu khảo cổ học ở Đắk Nông và đề xuất về các phương án nghiên cứu và bảo tồn các di chỉ khảo cổ học có giá trị trên địa bàn tỉnh.

Trước năm 2019, huyện Đắk G’long là “điểm trắng” trên bản đồ khảo cổ học, trong khi huyện Cư Jút được biết đến với 04 địa điểm khảo cổ thuộc thị trấn Ea T’Linh, xã Đắk Wil và xã Ea Pô. Đợt khảo sát đã phát hiện mới và thu thập hiện vật khảo cổ học tại 24 địa điểm tại 13/15 xã, thị trấn thuộc hai huyện Đắk G’long và huyện Cư Jút.

Các địa điểm khảo cổ phát hiện đều nằm tại các vùng đất cao ven dòng suối, sông. Tuy nhiên, tùy thuộc điều kiện tự nhiên, độ dốc gò đất, phạm vi không gian mà mật độ di vật, mật độ phân bố và tính chất các địa điểm khác nhau. Tại một số địa điểm như Thôn Năm (xã Đắk R’măng), Thôn Sáu (xã Đắk P’lao), Trạm Thủy văn Cầu 14 (xã Tâm Thắng)… dấu vết sự tụ cư mờ nhạt. Ngược lại, các địa điểm Tà Đùng (Đắk Som), Thôn Chín (xã Quảng Hòa), Thôn Năm (thị trấn Ea T’ling), Thôn Mười Một 2 (xã Tâm Thắng), Phú Sơn 3 (xã Ea Pô),… là những địa điểm có sự tụ cư với các cộng đồng cư dân đông đúc, sinh sống lâu dài, địa tầng còn được bảo tồn một phần. Di vật thu được trong đợt khảo sát đa dạng, phong phú, chủ yếu là các mảnh gốm và công cụ đá, đồ trang sức bằng đá. Gốm mảnh thô, cứng, áo gốm miết láng, nhưng vẫn lộ ra những hạt cát mịn pha trộn. Nhiều mảnh gốm bị bong tróc áo gốm, một số mảnh trang trí hoa văn khắc vạch, hoa văn in ấn,... Miệng gốm thuộc loại hình miệng loe cong, không trang trí hoa văn, khác loại hình miệng gốm các di tích ven sông Đắk N’rung thuộc huyện Đắk Song phát hiện năm 2018. Di vật đá phong phú với các loại hình như rìu có vai, rìu tứ giác mài toàn thân, bàn mài, vòng tay.... Căn cứ di vật gốm và đá thu thập trong đợt khảo sát, bước đầu nhận định các di tích thuộc giai đoạn Hậu kỳ Đá mới – Sơ kỳ Kim khí.

Hiện vật khảo cổ sưu tập tại huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông)

Căn cứ kết quả khảo sát, Bảo tàng tỉnh Đắk Nông xây dựng báo cáo đề xuất khai quật khẩn cấp đối với một số di tích khảo cổ có giá trị khoa học nhưng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hoạt động canh tác nông nghiệp của người dân.

Các tin khác:

  •  
     
  •