Tuyển sinh "3 chung" đã đến hồi cáo chung?

24/12/2010
Nếu không có những cải tiến - việc thi "3 chung" sẽ khiến Bộ GD-ĐT bị thu nhỏ như cái  “phòng đào tạo” quanh năm bận rộn với tuyển sinh ĐH.


Có thể thấy chính sách “3 chung” trong tuyển sinh ĐH (tạm gọi đó là chính sách mà không phải là giải pháp 3 chung – vì giải pháp luôn đi kèm với những vấn đề để giải quyết chúng) có một số ưu điểm như xác định chung mặt bằng chất lượng đầu vào giáo dục ĐH (cùng đề thi cho từng khối); hạn chế việc luyện thi ở các trường ĐH do không để các trường tự ra đề thi; giảm chi phí đi lại cho người dân do đỡ phải thi nhiều trường khi có nhiều nguyện vọng dự thi; một số trường không cần tổ chức thi để dùng kết quả chung v.v…


 


Thí  sinh dự thi ĐH. Ảnh: Lê Anh Dũng


 

 

Những bất cập của “3 chung”


Chính sách "3 chung" đã đến lúc cần được nghiên cứu một cách bài bản, tìm ra được những vấn đề nổi cộm để đề ra những chính sách nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyển sinh ĐH.


Bởi, việc ra đề thi chung chưa phải là điều kiện cần và đủ để đảm bảo chất lượng đầu vào vì còn lệ thuộc vào chất lượng của khâu ra đề và sự gắn kết, phù hợp (relevant) của đề thi với nội dung của ngành học tương lai.


Rõ ràng, với hàng trăm ngành học ĐH như hiện nay việc Bộ "ôm" lấy việc ra đề chung theo các khối A, B, C, D cho mọi trường là phản khoa học.


Tại sao thí sinh thi vào ngành Kế toán lại phải thi Vật lý và Hóa học? Phải chăng 2 môn khoa học này là những môn duy nhất đo lường năng lực học tập đầu vào sinh viên ngành Kế toán?


Từ đó, việc chọn thí sinh trúng tuyển sẽ khó đảm bảo độ tin cậy cao, công bằng, phù hợp với năng lực người học và đôi khi chẳng ăn nhập với ngành học tương ứng.


Việc thi cùng đợt đã tước bỏ cơ hội học tập ĐH của không ít người và thật lãng phí nếu những thanh niên ấy lại chờ đợi cho đến mùa thi năm sau và chậm đi sự gia nhập thị trường lao động.


Mặt khác, việc sử dụng chung kết quả và xác định điểm sàn đã làm mất đi tính chủ động của các trường trong tuyển sinh. Việc xây dựng điểm sàn lại cho thấy rất nhiều bất hợp lý và không công bằng mang thêm những yếu tố may rủi do chọn nguyện vọng 1 hoặc 2.


Mùa thi qua đã có không ít trường phải từ chối những thí sinh thi điểm cao đến 17, 18 điểm thậm chí trên 24 điểm do không trúng nguyện vọng 1 đã đăng ký, trong khi các trường cạnh tranh nguồn tuyển đã phải lấy xuống sát mức điểm sàn 13 điểm cho đủ chỉ tiêu. Người điểm cao hơn không đỗ ĐH, người có điểm thấp hơn lại đỗ, chính sách điểm sàn trong tuyển sinh như vậy tạo ra sự bất bình đẳng lớn.


Nếu nói đào tạo ĐH là đào tạo nhân tài cho đất nước thì rõ ràng 3 môn thi không đạt điểm trung bình thì khó nói đó là điều kiện để đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu. Chưa kể tính thêm ưu tiên khu vực và vận dụng Điều 33 trong Quy chế thi tuyển sinh thì đầu vào này còn thấp hơn nữa.


Chính điểm sàn do Bộ quy định như trên, vô hình chung đã phá vỡ cơ cấu trình độ đào tạo, do hạ điểm sàn xuống quá thấp, học sinh sẽ lao vào học ĐH mà từ chối học nghề hay THCN.


Đồng thời, điểm sàn cũng làm xáo trộn quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH do hiện tượng Nam tiến, Tây Bắc tiến của những thí sinh không trúng tuyển ở những vùng kinh tế phát triển sang vùng kém phát triển hơn, chiếm chỗ học của những thí sinh có kết quả thi kém hơn thường ở vùng kinh tế khó khăn, sự bất bình đẳng cơ hội học ĐH tăng lên.


Sau khi học xong, không lấy gì đảm bảo những sinh viên này sẽ ở lại những vùng khó khăn để tìm kiếm việc làm. Các trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long hoặc ở miền núi phía Bắc là để cho người học sinh sống thuộc khu vực đó đòi hỏi không thể mang cái “sàn” chung úp vào đây được, cho dù có tính đến những điểm ưu tiên khu vực trong giới hạn.

 

 

Việc định điểm sàn lại vừa căn cứ theo kết quả thi và căn cứ theo chỉ tiêu tuyển sinh – mà việc giao chỉ tiêu tuyển sinh lại chẳng dựa vào nhu cầu nhân lực cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng (theo ngành) một cách công khai, chính xác và minh bạch...


Việc dựa vào những căn cứ không chuẩn để định ra điểm chuẩn (điểm sàn) sẽ trở nên không chuẩn. Như vậy, điểm sàn là sự  “tù mù” giữa điều kiện đảm bảo chất lượng mập mờ với năng lực thực của thí sinh theo kết quả xét tuyển tối thiểu, không phản ánh đúng điều kiện năng lực thực của thí sinh để có thể học ĐH.


Giao tự chủ cho trường


Bất luận cuộc thi tuyển nào cũng phải đạt được các yêu cầu về độ tin cậy, chính xác, công bằng và đáng giá (validity), hạn chế thấp nhất may rủi theo kiểu chơi “sổ số” chọn nguyện vọng. Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu đánh giá rút ra những bài học của “3 chung”, giữ lại những mặt tích cực của chính sách này và cần thấm nhuần tinh thần đổi mới quản lý giáo dục ĐH – giao nhiều quyền tự chủ cho trường ĐH có đủ năng lực và điều kiện tự chủ.


Việc tổ chức thi hay không thi (dùng kết quả thi của trường khác) nên để các trường tự quyết và Bộ không nên ra đề thi chung mà Bộ nên giao cho một bộ phận chuyên cung cấp dịch vụ ra đề thi chuẩn cho các trường theo những ngành học khác nhau do trường yêu cầu.


Làm như vậy sẽ không sợ đầu vào không chuẩn mà cũng không sợ các trường tập trung luyện thi, có những tiêu cực khác và hạn chế được những bất cập nêu ở trên. Tuy nhiên, Bộ có thể mất đi chút lợi ích từ việc trích nguồn thu lệ phí tuyển sinh.


Việc tổ chức thi nên theo nhiều đợt trong năm và cũng không ngại gì lãng phí do người học có nhu cầu thì sẵn sàng chi trả. Và trường ĐH tuyển được người giỏi và tránh việc người học phải đợi chờ 1 năm sau thi lại, giảm bớt chi phí cơ hội cho họ.


Một cách lý tưởng nhất là chỉ nên tổ chức một kỳ thi ở cuối bậc học THPT làm cơ sở để các trường xét chọn. Tuy nhiên, do tiêu cực trong thi tốt nghiệp THPT còn hiển hiện nên chính sách này sẽ không khả thi ít nhất đến lúc này. Bộ cũng nên tham khảo kinh nghiệm tuyển sinh của một số trường như ĐH FPT....


Tuyển sinh ĐH nên coi là công việc bình thường của một trường ĐH như “cơm ăn, áo mặc, nước uống”. Bộ nên tập trung nỗ lực xây dựng chính sách, thiết lập các tiêu chuẩn, cung cấp các thông tin định hướng ngành nghề cho người học, kiểm soát chất lượng đào tạo…hơn là sa đà vào những việc tuyển sinh vốn thuộc nhiệm vụ của một trường ĐH.

Khi đó, Bộ sẽ không còn là cái “Phòng Đào tạo” quanh năm bận rộn với tuyển sinh ĐH, và rảnh cái đầu để suy nghĩ làm cho giáo dục ĐH được phát triển bền vững.

Một nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng “… những ý tưởng tốt không đi cùng với những ý tưởng để thực hiện những ý tưởng đó là sự lãng phí các ý tưởng” (Michael Fullan). Chuyện làm chính sách thiếu nghiên cứu thấu đáo có lẽ căn bệnh khá “bền vững” của lối tư duy chủ quan, duy ý chí trong tuyển sinh ĐH dẫn đến năm nào cũng có những điều chỉnh, thiếu nhất quán.

 

Minh Tuấn (TP.HCM)

Tác giá: QuangGame

Nguồn: VietNamNet

  •  
     
  •