Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 44 năm 2009: Nỗi lo trước nạn đào phá các di chỉ, di tích khảo cổ

Viện Khảo cổ học

Viện Khoa học xã hội Việt Nam

Hội thảo trong nước

Hội thảo

Khảo cổ học

24/09/2009 - 25/09/2009

       Tại Hội nghị nhiều kết quả khảo cổ học tiêu biểu trong năm qua đã được "điểm danh" trong phiên toàn thể, như tại di tích chùa - tháp Kim Tôn đã xác định dấu vết kiến trúc chùa tháp, thu được hàng ngàn hiện vật, là tư liệu quý để nghiên cứu kiến trúc chùa - tháp và nghệ thuật Phật giáo thời Trần. Cuộc khai quật lần thứ 3 di tích đàn Nam Giao (Thanh Hóa) trên diện tích 3088m2 đã xác định chính xác 3 nền đàn, 3 vòng đàn xây bằng đá, khẳng định đây là đàn tế Nam Giao của vương triều Hồ, là đàn tế cổ nhất còn tương đối nguyên vẹn dấu tích nền móng trong lịch sử kiến trúc Việt Nam.

Trên diện tích 2.626m2 khu di tích 62, 64 Trần Phú (Hà Nội) đã phát hiện dấu tích thành Hà Nội thời Nguyễn, móng nền kiến trúc thời Lê, cống thoát nước thời Trần, mộ táng, di cốt người và số lượng lớn các di vật thuộc nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Tượng Phật Lồi dạng vị Bồ tát trong tư thế thiền định, đội mũ hình trụ cao có khắc bùa “Omkar” trán có 3 vạch ngăn song song, lưng là tấm bia hình ngũ giác có 12 dòng chữ Champa cổ chưa giải mã được phát hiện tại Bình Định….

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nỗi lo canh cánh của giới khảo cổ học về nạn đào phá các di tích và di chỉ khảo cổ học cũng được nhấn mạnh trong hội nghị lần này, theo như lời PGS.TS. Tống Trung Tín "Nếu không có di tích, di chỉ có nghĩa là khảo cổ học sẽ "chết"”. Đồng thời, ông cũng bày tỏ sự vui mừng và kỳ vọng vào Luật di sản văn hóa vừa được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và có hiệu lực từ 1.1.2010 vì đây sẽ là cơ sơ pháp lý hữu hiệu để giới khảo cổ học tham gia tốt hơn vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

  •  
     
  •