Hội thảo Nho giáo Việt Nam và văn hoá Đông Á là cuộc hội thảo mở đầu cho một chương trình nghiên cứu trung hạn về triết học Việt Nam. Những vấn đề mà hội thảo tập trung thảo luận là Nho giáo Việt Nam từ góc nhìn của học giả Việt Nam và Đài Loan và Mối quan hệ giữa Nho giáo Việt Nam và văn hóa Đông Á. Hội thảo là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong sự phát triển mối quan hệ giao lưu và hợp tác khoa học giữa Viện Triết học (Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Văn Triết (Đài Loan), PGS hy vọng rằng thông qua các thảo luận của các học giả trong và ngoài nước hai viện sẽ tìm thấy nhiều điểm chung trong nghiên cứu văn hoá, cụ thể là Nho giáo, điều này sẽ là cơ sở bền vững trong việc tăng cường thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai viện chuyên ngành nói riêng và giữa Viện KHXH Việt Nam và Viện Nghiên cứu TW Đài Loan nói chung.
Với ý nghĩa này Hội thảo diễn ra đã thu hút đông đảo các học giả, các vị quan khách cùng nhiều nhà nghiên cứu, lãnh đạo của các đơn vị tổ chức tham dự. Cũng trong Hội thảo này GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam đã đại diện cho Lãnh đạo Viện KHXH Việt Nam trao Huy chương “Vì sự nghiệp khoa học xã hội” và gửi lời cảm ơn trân trọng tới GS. Trần Văn Đoàn vì những đóng góp của ông trong sự nghiệp nghiên cứu, giới thiệu và phát triển khoa học của Việt Nam ra thế giới. PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Viện trưởng Viện Triết học cho biết, sự phát triển của Viện Triết học trong thời gian qua trong vấn đề hợp tác nghiên cứu quốc tế và phát triển nguồn nhân lực có dấu ấn không nhỏ của GS. Trần Văn Đoàn, ông là một trong những cầu nối quan trọng để Viện Triết học có các mối quan hệ ra thế giới, là người trực tiếp, gián tiếp giúp đỡ nhiều cán bộ trẻ đi học tại nước ngoài.
Trong bài diễn văn khai mạc Hội thảo PGS. TS. Phạm Văn Đức - Viện trưởng Viện Triết học cũng cho biết Hội thảo đã nhận được hơn 30 báo cáo của các học giả Đài Loan và Việt Nam, ngoài phiên khai mạc và bế mạc, Hội thảo còn bao gồm 6 phiên làm việc theo các chủ đề: Những vấn đề lý luận chung; Nho giáo và văn hoá Đông Á; Nho giáo và Lê Quý Đôn; Nho giáo Việt Nam; Nho giáo và vấn đề dân tộc; Nho giáo và vấn đề đạo đức. Theo PGS đây là những mảng nội dung hết sức quan trọng, là cơ sở để qua đó chúng ta hiểu rõ hơn tư tưởng triết học truyền thống Việt Nam, làm sáng rõ những đặc điểm triết học và sự khác biệt của nó so với triết học phương Tây lẫn phương Đông…