Văn hoá truyền thống với đời sống người công giáo Việt Nam
(14/12/2008 - 14/12/2008 )
Tại buổi thuyết trình GS.TS. Đỗ Quang Hưng đã trình bày nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến văn hoá và đời sống của người Công giáo Việt Nam như đặc điểm đời sống trong và ngoài tôn giáo của người Công giáo; những động lực để gìn giữ mối quan hệ với văn hoá truyền thống; đường hướng hội nhập văn hoá Vatican II (1962-1965) của Hội đồng giám mục Việt Nam; đặc biệt GS đã dành nhiều thời gian trao đổi sâu về vấn đề văn hoá truyền thống có ảnh hưởng như thế nào đối với người Công giáo Việt Nam hướng vào hai điểm là đặc tính văn hoá Việt Nam và người Công giáo Việt Nam với văn hoá truyền thống hôm nay.
“Dân tộc học Việt Nam với công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập”
(31/12/2008 - 31/12/2008 )
Toạ đàm được tổ chức nhằm mục đích trao đổi ý kiến với các nhà khoa học về 7 khía cạnh nghiên cứu liên quan đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập đó là: Quan điểm, định hướng và lý thuyết nghiên cứu; Vấn đề nghiên cứu cần ưu tiên; Kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; Nghiên cứu liên ngành; Chiến lược đào tạo cần quan tâm; Dân tộc học với kinh tế - xã hội ở địa phương; Vị thế của dân tộc học Việt Nam với dân tộc học nhân học khu vực và quốc tế.
Công giáo Việt Nam đương đại - khía cạnh xã hội
(11/01/2009 - 11/01/2009 )
Tại buổi thuyết trình TS. Nguyễn Ngọc Đào đã trình bày nhiều nội dung khác nhau liên quan đến đời sống, xã hội của người Công giáo Việt Nam như quan điểm của Đảng, Nhà nước và pháp luật về vấn đề tôn giáo, thực trạng quản lý tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, thực trạng hoạt động tôn giáo ở nước ngoài và một số phương hướng giải quyết; đặc biệt TS đã dành nhiều thời gian trao đổi sâu về những vấn đề quản lý tôn giáo tại các giáo phận cũng như những thực trạng xã hội khác có ảnh hưởng tới người Công giáo Việt Nam trong bối cảnh xã hội hiện tại.
“Tầm quan trọng của tổng quan tài liệu”
(05/02/2009 - 05/02/2009 )
Tổng quan tài liệu (qua tài liệu dịch) có tầm quan trọng đặc biệt trong việc giúp các nhà nghiên cứu thiết kế đề cương nghiên cứu, giúp họ chủ động hơn trong việc giới hạn phạm vi nghiên cứu của mình cũng như cung cấp cho họ những thông tin liên quan đến ý nghĩa và mục đích chính của đề tài mà họ đang đọc. Theo NCV. Nguyễn Ngọc Thi, ở Việt Nam còn xảy ra thực trạng nhiều nghiên cứu không có phần tổng quan tài liệu hoặc một số đề tài đã có song cách tổng quan chưa đúng, chủ yếu là liệt kê tài liệu mà không có bình luận, phân tích và tổng hợp. Đặc biệt hệ thống đào tạo của ngành dân tộc học/nhân học còn chưa có bài giảng về tổng quan tài liệu từ cấp đại học đến tiến sĩ. Từ đó diễn giả nhấn mạnh việc học tập để hiểu về tầm quan trọng của tổng quan tài liệu cũng như áp dụng được các cách thiết kế đề cương nghiên cứu qua tài liệu dịch “Research Design: Qualitative, Quantitative, and Mixed Methods Approaches” do tác giả nước ngoài John W.Creswell, DH Nebraska, Lincoln (tr27-49) viết, tái bản lần 2, 2003 là rất có ích đối với các cán bộ làm công tác nghiên cứu và những người đang là sinh viên hoặc nghiên cứu sinh, đặc biệt là những nhà nghiên cứu trẻ, còn yếu về kinh nghiệm.
Thuyết trình khoa học tại Bảo tàng Dân tộc học
(15/02/2009 - 15/02/2009 )
Buổi thuyết trình là một trong năm buổi sinh hoạt khoa học giàu ý nghĩa nhằm giáo dục và tuyên truyền những hiểu biết xung quanh hình tượng Đức mẹ Maria cùng những khía cạnh văn hoá - xã hội liên quan có tác động trực tiếp đến tâm thức người Công giáo Việt Nam mà Bảo tàng thực hiện nhằm chào đón Giáng sinh năm 2008 và xuân Kỷ Sửu 2009.
“Hội nhập ở Đông Á và chính sách của các nước lớn”
(27/03/2009 - 27/05/2009 )
Hội thảo được chia thành 2 phiên họp cụ thể là: Phiên 1: Tiến trình hội nhập Đông Á (chủ toạ: Bùi Trường Giang và Nguyễn Mạnh Hải); Phiên 2: Chính sách của các nước lớn đối với Hội nhập Đông Á (chủ toạ: Hà Anh Tuấn và Võ Xuân Vinh). Thông qua hai phiên làm việc này nhiều tham luận đã gây được sự chú ý theo dõi của toàn thể Hội thảo như: Thực trạng giao lưu văn hoá khu vực Đông Á dưới góc nhìn Nhật Bản do Lưu Thị Thu Thuỷ, Viện Thông tin KHXH trình bày, Phương thức hình thành các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khu vực Đông Á hướng tới một cộng đồng kinh tế Đông Á tương lai do TS. Bùi Trường Giang, Bí thư Đoàn TN Viện KHXH Việt Nam trình bày, Hội nhập Đông Á – Cái nhìn từ Mỹ do Nguyễn Minh Tuấn, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ trình bày, Quan điển và chính sách của Trung Quốc về hội nhập Đông Á do Nguyễn Thu Hiền, Viện Nghiên cứu Trung Quốc trình bày…
“Những phát hiện khảo cổ học ở Đông Anh - Hà Nội và vấn đề quê hương Nhà Lý”
(27/12/2008 - 27/12/2008 )
Phát biểu khai mạc toạ đàm GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội cho biết: Toạ đàm được tổ chức lần này nhằm mục đích trình bày những phát hiện khảo cổ học mới về quê hương Nhà Lý được các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ học tìm thấy tại hai địa điểm Đông Anh (Hà Nội) và Từ Sơn (Bắc Ninh). GS nhấn mạnh, ngoài ý nghĩa là diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lịch sử, khảo cổ có cơ hội trao đổi những vấn đề đáng quan tâm khi nghiên cứu về quê hương Nhà Lý, toạ đàm là một trong nhiều hoạt động có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển và tiến bộ mà ngành khảo cổ học Việt Nam đạt được trong giai đoạn hiện nay và là một trong những hoạt động khoa học có ý nghĩa thực tiễn do Hội Sử học Việt Nam thực hiện nhằm chào đón Hà Nội sắp tròn 1000 năm tuổi.
“Đánh giá giáo dục vì sự phát triển bền vững”
(17/12/2008 - 17/12/2008 )
Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo các đơn vị tổ chức cho biết, các kết quả trao đổi thu được tại Hội thảo lần này sẽ là cơ sở để Văn phòng UNESCO Hà Nội thúc đẩy nhanh hơn tiến trình hình thành các văn bản, các thể chế và hướng dẫn thực hiện hoạt động giáo dục của Chính phủ Việt Nam tới các cấp, các ngành trong cả nước trong thời gian tới. Ngoài ra thông qua việc tổ chức Hội thảo các đơn vị tổ chức cũng thể hiện mong muốn khuyến khích hơn nữa cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ động trong việc xây dựng các chương trình, hoạt động giáo dục vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Phim cộng đồng - một hình thức làm phim mới của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
(16/03/2009 - 18/03/2009 )
Các phim được trình chiếu tại đây gồm: Người Thái chúng tôi (Việt Nam, 35 phút); Tết nhảy bói ở làng Tham Vè (Việt Nam, 40 phút); Chúng ta sẽ làm gì? Sự thay đổi của làng Loushui (Trung Quốc, 38 phút); Linh hồn của lúa (Trung Quốc, 33 phút); Đám ma của người Miêu Thanh ở làng Lannidong, Wenshan (Trung Quốc, 53 phút); Làng Jiabi của chúng tôi (Trung Quốc, 50 phút); Một ngày với những trò vui (Trung Quốc, 32 phút). Các bộ phim đã tiếp cận đến rất nhiều vấn đề của cuộc sống đương đại, không có kịch bản viết trước. Đây là một cách làm mới của phim nhân học qua sự hợp tác bình đẳng giữa nhà nghiên cứu, nhà nhân học với một nhóm người địa phương tham gia nhằm hỗ trợ cộng đồng nói lên tiếng nói của mình, nâng cao nhận thức của người dân về đa dạng văn hóa và bảo tồn các di sản văn hóa trong bối cảnh biến đổi văn hóa – xã hội đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng hiện nay.
Hội nghị thông báo khảo cổ học năm 2008
(30/09/2008 - 01/10/2008 )
Chỉ tính riêng mảng khảo cổ học Thời đại Đá đã có 64 bài thông báo trong đó chỉ rõ những di vật được phát hiện tại các địa chỉ như: Vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La; Khu Lán Hạ I, II, Lán Đanh, Lán Mỏ (huyện Mường La); Mường Chiên; Hang Bổ Túc, hang Dơi (huyện quỳnh Nhai) thuộc các văn hoá Sơn Vi, Hoà Bình; Bắc Sơn. Các phát hiện mới ở hang Thẩm Vài (Cao Bằng); bốn địa điểm tiền sử ở huyện Đăc RLấp (Đắc Nông; Hiện vật ở Hoà An (Cao Bằng); Nà Lạ (Tuyên Quang); Hang Trống (Quảng Ninh), những phát hiện nghiên cứu cổ nhân, cổ sinh ở Lào Cai, Ninh Bình, Hoà Bình, Thanh Hoá, Quảng Bình, Đắc Lắc…
“Đánh giá tiến trình đổi mới của Việt Nam và những bài học kinh nghiệm”
(14/10/2008 - 15/10/2008 )
Việt Nam và Triều Tiên đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 31 tháng 1 năm 1950. Từ đó đến nay giữa hai nước đã triển khai các chương trình hợp tác trên một số lĩnh vực, nhưng mức độ và nội dung hợp tác còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai bên. Nguyên nhân chính là do quan hệ giữa hai bên tuy có những thuận lợi, nhưng còn nhiều khó khăn và hạn chế lớn. Để tranh thủ những điều kiện thuận lợi, vượt qua những khó khăn, hạn chế, hai nước cần cùng nhau tìm ra những giải pháp thích hợp nhằm đẩy mạnh hơn nữa những quan hệ hợp tác truyền thống đã có và nâng các quan hệ đó lên một tầm cao mới vì lợi ích của mỗi nước, của khu vực và thế giới. Theo PGS.TS. Ngô Xuân Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, hai nước cần tăng cường nỗ lực trong việc nâng cao hơn nữa nhận thức về mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi, cùng trao đổi kinh nghiệm về cải cách, đổi mới, phát triển kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế. Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thống nhất đất nước và Việt Nam ủng hộ lập trường phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên.
8 tham luận được trình bày trong hội thảo:
(1) Đổi mới đường lối đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế (PGS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam).
(2) Đổi mới kinh tế Việt Nam theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (PGS.TSKH. Võ Đại Lược, Bộ Khoa học và Công nghệ).
(3) Đánh giá tiến trình đổi mới của Việt Nam và những bài học kinh nghiệm (PGS.TS. Lê Văn Sang, Giám đốc Trung tâm Châu Á – Thái Bình Dương).
(4) Đổi mới cơ chế quản lý ở Việt Nam và một số bài học kinh nghiệm (PGS.TS. Trần Thị Minh Châu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh).
(5) FDI và Chính sách thuế của Việt Nam (TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch Đầu tư).
(6) Đánh giá đổi mới thương mại của Việt Nam và những bài học kinh nghiệm (PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương).
(7) Vài nét về quan hệ giữa Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (PGS.TS. Ngô Xuân Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á).
(8) Đánh giá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ (GS.TS. Nguyễn Thiết Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ).
“Các cư dân Môn Khơ-me ở Việt Nam và Đông Nam Á: ngôn ngữ và văn hoá”
(28/10/2008 - 28/10/2008 )
Hội thảo tập trung chủ yếu vào hai chủ đề chính là: ngôn ngữ và lịch sử; văn hoá và phát triển. Qua những dấu tích và ảnh hưởng văn hoá của nhóm cư dân Môn Khơ-me, hội thảo cho thấy nhóm dân cư này vẫn luôn được các nhà nghiên cứu coi là những người có công khai sơn phá thạch ở vùng đất Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Hội thảo các ý kiến tham luận đều chú trọng vào việc góp ý làm thế nào tiếp cận sâu rộng hơn về các lĩnh vực như nghiên cứu ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá các cư dân Môn Khơ-me. Qua đó làm nổi bật ý nghĩa thiết thực trong việc cần tiếp tục tìm hiểu mối quan hệ giữa nhóm cư dân Môn Khơ-me với các nhóm cư dân nói ngôn ngữ khác, đồng thời khích lệ những nghiên cứu về sự phát triển của nhóm cư dân Môn Khơ-me trong bối cảnh hiện nay.