“Bình đẳng giới ở Việt Nam”

29/10/2008

PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh ; TS. Trần Thị Vân Anh ;

Viện Gia đình và Giới ; Nhà xuất bản Khoa học xã hội ;

2007

thuyntm

 

 

Thu thập các dữ liệu cơ bản về thực trạng bình đẳng giới có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm rõ thực trạng quan hệ giới và tiến bộ của phụ nữ hiện nay ở Việt Nam. Các dữ liệu mới cũng cung cấp thông tin cập nhật, làm căn cứ cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ trong thời gian tới.

Cuốn sách “Bình đẳng giới ở Việt Nam” do TS. Trần Thị Vân Anh và PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh (Viện Gia đình và Giới) đồng chủ biên được xuất bản vào tháng 5 năm 2008 phản ánh kết quả của cuộc điều tra cơ bản về bình đẳng giới được thực hiện trong 2 năm 2005 – 2006, dưới sự chỉ đạo của GS.TS. Đỗ Hoài Nam và sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan (Uỷ ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hội liên hiệp phụ nữ tại 13 tỉnh đã tiến hành khảo sát) và các cán bộ nghiên cứu của Viện KHXH Việt Nam và Đại học KHXH và NV thành phố Hồ Chí Minh.

       Với bề dày 525 trang, khổ 14,5x20,5cm cuốn sách gồm có phần mở đầu, kết luận và 4 phần của nội dung. Phần I trình bày tình trạng việc làm, thu nhập, nơi làm việc, cơ hội tuyển dụng và tuổi về hưu; mức sống và đời sống vật chất của gia đình; đóng góp kinh tế của các thành viên trong gia đình; quá trình và cơ hội đào tạo. Phần II nghiên cứu về việc phân công lao động và ra quyết định trong gia đình; cha mẹ với việc học tập của con và với định hướng nghề nghiệp của con; vai trò giới trong việc chăm sóc sức khoẻ. Phần III phân tích đặc điểm hôn nhân, thái độ về quan hệ ngoài hôn nhân, tình dục vợ chồng và bạo lực giữa vợ chồng. Phần IV đề cập đến tinh thần và khuôn mẫu giới qua việc tìm hiểu sử dụng thời gian rỗi, đi lễ và thờ cúng tại gia đình, khuôn mẫu giới trong gia đình và hình ảnh nam, nữ trên truyền hình.

       “Bình đẳng giới ở Việt Namcho thấy một bức tranh về thực trạng bình đẳng giới khá đa dạng về màu sắc. Có những điểm sáng thể hiện tiếng nói, vai trò bình đẳng của phụ nữ và nam giới. Đồng thời cũng có những điểm chưa sáng, ở đó cơ hội của giới này còn thấp hơn nhiều so với giới kia trong việc tiếp cận đào tạo, cơ hội được chăm sóc sức khoẻ, thời gian nghỉ ngơi, giải trí. Bên cạnh đó cũng có những điểm tối thể hiện khoảng cách khá lớn giữa hai giới, như về thực hiện công việc gia đình. Đằng sau các mảng màu này những quan niệm còn nặng định kiến và khuôn mẫu giới của chính phụ nữ và nam giới, và ở mức độ khác nhau, được thúc đẩy bi các khuôn mẫu giới trên phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt cuốn sách có in kèm theo Phụ lục Bảng hỏi.

        Hy vọng đây sẽ là tài liệu mang lại nhiều thông tin hữu ích cho những ai quan tâm đến lĩnh vực này. Xin trân trọng giới thiệu với các bạn!

Minh Thuỷ

  •  
     
  •