Với độ dày 421 trang, xuất bản tháng 1 năm 2007, cuốn sách, do 2 tác giả Trịnh Diệu Thìn và Thanyathip Sripana đồng chủ biên, được chia thành 6 chương:
Chương 1: Quá trình nhập cư của Cộng đồng người Việt Nam vào Vương quốc Thái Lan đề cập đến một số vấn đề như: Tên gọi của Cộng đồng người nhập cư; Quá trình nhập cư của Cộng đồng người Việt Nam vào Vương quốc Thái Lan; Quá trình nhập cư của người Việt vào Thái Lan thời kỳ Vương triều Ayuthaya (giai đoạn 1656 – 1767); Quá trình nhập cư của người Việt giai đoạn sau chiến tranh thế giới thứ hai...
Chương 2: Phong trào yêu nước của Cộng đồng Việt kiều Thái Lan giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX gồm hai phần chính: 1. Vài nét về một số phong trào yêu nước của Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong đó đề cập đến phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du (1904 – 1908); 2. Một số chí sĩ yêu nước trong phong trào vận động yêu nước của Việt kiều ở Thái Lan đầu thế kỷ XX: Nhà yêu nước Phan Bội Châu; Đặng Thúc Hứa và một số hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch ở Xiêm được các tác giả đề cập đến một cách chi tiết với nhiều dữ kiện lịch sử.
Chương 3: Chủ trương đường lối, chính sách của Chính phủ Thái Lan đối với Cộng đồng người Việt ở Thái Lan chú trọng đến phần trình bày về chủ trương đường lối của các Thủ tướng Thái Lan đối với Cộng đồng người Việt Nam tản cư như: Thủ tướng Priđi Phanômdông với chính sách hỗ trợ Việt kiều, chính sách hỗ trợ cho phong trào giải phóng dân tộc và sự giúp đỡ của Chính phủ Thái Lan dành cho phong trào cứu quốc của ba nước Đông Dương (1946 - 1947). Thời kỳ Thủ tướng Po Phibun Xôngkham đến thời kỳ của Thủ tướng Prêm Tinxunlanôn (1948 – 1980) với các chính sách quy định nơi cư trú, các biện pháp dồn cư…cuối cùng là chính sách đối với người Việt Nam tản cư thời kỳ của Thủ tướng Chạtchai Chauhavăn đến nay.
Chương 4: Việt kiều Thái Lan hồi hương cho thấy được bức tranh toàn cảnh về những diễn biến chính trị và xã hội vùng Đông Bắc Thái Lan trước năm 1960, bao gồm nhiều sự kiện lịch sử dẫn đến cuộc đàm phán hồi hương của Cộng đồng người Việt ở Thái Lan; Các chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Chính phủ Việt Nam đối với Việt kiều Thái Lan hồi hương và sự quan tâm của các cấp chính quyền đến đời sống văn hoá tinh thần của họ…
Chương 5: Lối sống hoà đồng xã hội của Việt kiều Thái Lan và Việt Nam nghiên cứu về đời sống sinh hoạt của Cộng đồng Việt kiều ở Thái Lan và cuộc sống hoà đồng với xã hội của họ sau khi hồi hương, nghiên cứu cho thấy mối quan hệ thông tin liên lạc, sự gắn bó giữa Việt kiều ở Thái Lan và Việt kiều hồi hương cũng như việc gìn giữ bản sắc văn hoá, phong tục tập quán của Cộng đồng người Việt ở Thái Lan và tiềm năng kinh tế của Việt kiều đối với việc phát triển kinh tế xã hội trên chính đất nước Thái Lan…
Chương 6: Việt kiều với mối quan hệ Thái Lan - Việt Nam trình bày khá cụ thể về vai trò của Việt kiều trong sự phát triển mối quan hệ Thái Lan và Việt Nam hiện nay với những minh chứng rõ ràng. Từ những vấn đề như Việt kiều với mối quan hệ Thái Lan - Việt Nam thời kỳ chiến tranh lạnh; Vấn đề Việt kiều trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Thái Lan Kriangsặc Chamanăn tại Băngkok tháng 9 năm 1978… đã cho thấy Việt kiều Thái Lan và Việt kiều đã hồi hương đều có những hoạt động thiết thực để đóng góp vào sự phát triển mối quan hệ hai nước ở hai phương diện kinh tế và chính trị.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phạm Vĩnh Hà