Văn học Lào tồn tại, phát triển không tách rời với môi trường văn hoá dân tộc Lào, nó hoà kết với văn hoá để tạo nên sức sống mãnh liệt của một dòng văn học mà người ta gọi đó là dòng văn học dân gian – đây chính là cội nguồn của văn học dân tộc Lào. Sự kết hợp giữa truyền thống và cách tân, giữa tính dân tộc và tính hiện đại đã làm cho diện mạo văn học Lào mang đậm sắc thái rất riêng, rất Lào.
Cuốn sách “Diện mạo văn học cận hiện đại Lào” có độ dày 959 trang, khổ 14,5x20,5cm, Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành, do hai tác giả GS. TS. Nguyễn Đức Ninh và Trần Thúc Việt (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) đồng chủ biên đã cố gắng phác hoạ diện mạo dòng văn học cận hiện đại Lào với những đường nét phát triển chủ yếu của đời sống văn học.
Sách gồm 3 phần:
Phần thứ nhất: Diện mạo văn học cận hiện đại Lào cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin về văn học truyền thống Lào từ thời kỳ văn học vương quốc Lạn Xạng thống nhất (thế kỷ XIV-XVII) cho đến thời kỳ văn học Lào bị phong kiến Xiêm thống trị (XVIII- XIX); Bối cảnh lịch sử - văn hoá Lào từ 1893; Văn học Lào thời kỳ 1893 -1954 (thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp đô hộ); Văn học Lào thời kỳ 1955 -1975 (thời kỳ đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và giải phóng hoàn toàn đất nước); Văn học thời kỳ 1975 đến nay (thời kỳ cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội).
Phần thứ hai: Nhận diện văn xuôi Lào hiện đại – Quá trình hình thành và đặc điểm phát triển của thế loại trình bày quá trình hình thành và những thành tựu đạt được của văn xuôi Lào hiện đại; Sự tiếp nhận ảnh hưởng từ văn học dân gian đối với dòng văn học cận hiện đại và vấn đề Đổi mới thể loại văn xuôi theo hướng dân tộc hoá, hiện đại hoá.
Phần thứ ba: Tuyển tác phẩm bao gồm nhiều tác phẩm thuộc dòng văn chính luận, thơ, truyện ký, tiểu thuyết… của các tác giả người Lào. Qua phần này bạn đọc hiểu biết hơn về con người, xã hội, cuộc sống của người Lào dưới nhiều khía cạnh phản ánh.
Xin trân trọng giới thiệu.
Phạm Vĩnh Hà