Trải qua 38 năm xây dựng và phát triển, ASEAN từ một tổ chức bao gồm 5 nước Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin và Singapore) với những nền kinh tế lạc hậu, chậm phát triển, bất ổn về an ninh – chính trị trở thành một tổ chức gồm 10 quốc gia với những nền kinh tế phát triển khá năng động. Các quốc gia này đã và đang đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Chính sự phối hợp tương đối nhịp nhàng, có hiệu quả trên mặt trận an ninh, chính trị, nhất là trong việc tìm ra giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia dưới thời chiến tranh lạnh đã tạo nên chất kết dính, đoàn kết cho ASEAN.
Sự phát triển kinh tế năng động của các quốc gia thành viên trong những thập niên 70 – 90 của thế kỷ trước cùng với sự ra đời của các cơ chế hợp tác mới như AFTA, ARF…cũng như bước đột phá kết nạp Việt Nam và các nước còn lại của khu vực Đông Nam Á vào ASEAN đã mở ra thời kỳ hợp tác và liên kết mới của Hiệp hội.
Chính bởi những yếu tố trên, việc tìm hiểu sự liên kết của các nước ASEAN trong những thập niên đầu thế kỷ XXI đã trở thành một trong những vấn đề nghiên cứu cần thiết nhất là đối với sự phát triển của Việt Nam hiện nay và vì vậy quý I năm 2007, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành cuốn sách “Liên kết ASEAN trong những thập niên đầu thế kỷ XXI” để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của độc giả.
Đây là cuốn sách do PGS.TS. Phạm Đức Thành (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) chủ biên, sách dày 363 trang, in khổ 14,5x20,5cm trong đó bao gồm các nội dung chính như sau:
Phần thứ nhất: Những thành tựu và hạn chế của quá trình liên kết ASEAN trong những thập niên qua.
Phần thứ hai: Liên kết ASEAN thập niên đầu thế kỷ XXI trong đó những thông tin về Bối cảnh; Triển vọng hợp tác an ninh, chính trị; Triển vọng liên kết kinh tế trong thập niên đầu thế kỷ XXI; Triển vọng hợp tác, liên kết về khoa học, công nghệ, thông tin, giáo dục, đào tạo; ASEAN trong thập niên đầu thế kỷ XXI; Bài học kinh nghiệm và những kiến nghị cho Việt Nam đã được tác giả hệ thống một cách đầy đủ, hệ thống và chi tiết.
Có thể nói rằng chính những đánh giá có được từ việc phân tích các thành tựu, hạn chế và rút ra được những bài học kinh nghiệm rất đáng chú ý, cuốn sách đã đạt được những thành tựu khoa học đáng kể trong việc dự báo tương lai của ASEAN và đưa ra một số kiến nghị cho Việt Nam trong lộ trình tham gia liên kết ASEAN trên các lĩnh vực nói trên trong 10 năm đầu thế kỷ XXI.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Vĩnh Hà