AEC được hình dung là một "thị trường chung", trong đó có "4 quyền tự do": hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động có tay nghề. Nếu trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), mức thuế quan được giảm từ 0% đến 5% đối với ASEAN-6 (năm 2006) và với ASEAN-4 (năm 2010), đồng thời các thủ tục phi thuế quan được đơn giản hóa, luồng hàng hóa giao dịch được tăng lên, thương mại nội bộ khối được cải thiện và đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng trên cục diện toàn khu vực, thì AEC lại hướng tới một thị trường chung với 4 đặc thù trên. Trong khuôn khổ liên kết kinh tế rộng hơn, các nhà lãnh đạo ASEAN kỳ vọng AEC sẽ hội tụ những biện pháp nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại, cải thiện hạ tầng kinh doanh, giảm chi phí giao dịch thương mại, tăng tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư của ASEAN, củng cố hệ thống giải quyết tranh chấp nội bộ khối. Nếu AEC trở thành hiện thực, ASEAN sẽ bước vào ngưỡng hội nhập thứ ba nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của liên minh kinh tế đầu tiên ở khu vực Châu Á trong tương lai. Khi đó, sẽ tồn tại một khu vực kinh tế ASEAN cạnh tranh, thịnh vượng và ổn định, ở đó có sự dịch chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, dịch chuyển tự do hơn cho các dòng vốn, phát triển kinh tế công bằng và giảm đói nghèo cũng như bất bình đẳng kinh tế - xã hội.
Nhằm cung cấp cho độc giả những thông tin toàn diện về cộng đồng kinh tế ASEAN tháng 12 năm 2008 được sự đồng ý của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện KHXH Việt Nam) PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đã chủ biên cuốn sách “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nội dung và lộ trình”. Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:
Chương 1: “Sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)”, trình bày quá trình hình thành AEC và những yếu tố tác động tới sự hình thành này.
Chương 2: “Đặc trưng cơ bản của Cộng đồng kinh tế ASEAN và những vấn đề đặt ra”, trình bày những đặc trưng cơ bản của AEC như mục tiêu, nội dung và lộ trình thực hiện AEC, ngoài ra còn trình bày tác động của việc thực hiện AEC tới các nước thành viên, những vấn đề đặt ra khi thực hiện AEC và triển vọng.
Chương 3: “Sự tham gia của Việt Nam vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)”, trình bày sự tham gia của Việt Nam vào quá trình liên kết ASEAN nói chung AEC nói riêng và đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm nâng cao hiệu quả tham gia vào AEC của Việt Nam.
Nội dung cuốn sách là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ: “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC): nội dung và lộ trình” do chính PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn làm chủ nhiệm. Đề tài này thuộc chương trình cấp bộ “Cộng đồng ASEAN: Cơ sở hình thành, triển vọng và phản ứng chính sách của các nước trong khu vực” do PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Viện KHXH Việt Nam là cơ quan chủ trì.
Trong bối cảnh các quá trình liên kết kinh tế trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, đa dạng và đan xen lẫn nhau, từ song phương cho tới khu vực và toàn cầu, những nội dung mà cuốn sách đề cập đang là những vấn đề mang tính thời sự và luôn được các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách quan tâm theo dõi, đồng thời đây cũng là một vấn đề khá phức tạp với nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí đối ngược nhau. Do đó có thể khẳng định rằng cuốn sách với những nội dung bao hàm của nó về ASEAN (AEC) sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu sâu hơn nữa về liên kết kinh tế này để đưa ra những biện pháp và sáng kiến nhằm thực hiện thành công AEC.
Trân trọng giới thiệu!
Phạm Vĩnh Hà