Mười năm trước đây, ngày 14/12/1997, tại Kuala Lumpur, các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN đã tiến hành cuộc gặp đầu tiên với cả ba nhà lãnh đạo của 3 nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau cuộc gặp trên, họ đã tiến hành họp thượng đỉnh riêng với từng đối tác và sau đó Hợp tác ASEAN + 3 chính thức được thành lập.
Trong những năm qua, thông qua các cơ chế hợp tác ngày càng nhiều về số lượng và hình thức, hợp tác ASEAN + 3 đã được triển khai trên tất cả các lĩnh vực và đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Là một thành viên của ASEAN, Việt Nam đã tham gia vào tiến trình này ngay từ đầu và trở thành 1 trong 13 thành viên sáng lập của Hợp tác ASEAN + 3. Sau 10 năm tham gia vào tiến trình hợp tác này nước ta đã có những đóng góp đáng kể và cũng đã thu được nhiều lợi ích quan trọng, vị thế của Việt Nam cũng vì thế được nâng cao hơn bao giờ hết. Điều này đã và đang làm gia tăng giá trị địa - chiến lược của Việt Nam và tạo điều kiện cho nước ta nâng cao sức mạnh của mình trong các thương thảo song phương và đa phương với các nước lớn trong khu vực và trên thế giới. Để góp phần thúc đẩy sự phát triển của Hợp tác ASEAN + 3, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, GS.TS. Đỗ Hoài Nam đã giao cho Viện Nghiên cứu Đông Nam Á chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học “Một số vấn đề cơ bản về Hợp tác ASEAN + 3”, những kết quả của đề tài khoa học này đã được Nhà xuất bản Khoa học xã hội in thành sách và phát hành vào tháng 12/2008, do PGS.TS. Nguyễn Thu Mỹ chủ biên). Nội dung cuốn sách gồm 4 chương:
Chương 1: “Thực trạng Hợp tác ASEAN + 3 sau 10 năm phát triển”, khái quát lại quá trình thành lập Hợp tác ASEAN + 3 và phân tích những thành tựu và hạn chế của nó sau 10 năm phát triển.
Chương 2: “Vai trò và những đóng góp của các đối tác trong quá trình phát triển của Hợp tác ASEAN + 3”, đề cập tới vai trò và những đóng góp của ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đối với Hợp tác ASEAN + 3 trong 10 năm qua và đưa ra một số nhận xét về vai trò và những đóng góp của các đối tác đó.
Chương 3: “Triển vọng phát triển của Hợp tác ASEAN +3 trong những năm sắp tới”, trong chương này ngoài phần phân tích những thuận lợi và khó khăn mà Hợp tác ASEAN + 3 đang phải đối diện trên con đường của nó cuốn sách còn dự báo về triển vọng phát triển của tiến trình này trong những năm tới và đề xuất các kiến nghị nhằm góp phần thúc đẩy Hợp tác ASEAN + 3 tiến lên phía trước.
Chương 4: “Việt Nam với tiến trình Hợp tác ASEAN + 3”, khái quát lại quá trình tham gia Hợp tác ASEAN + 3 của Việt Nam và những đóng góp của nước ta đối với sự phát triển của tiến trình này trong những năm qua, đề cập thêm những thuận lợi, khó khăn của Việt Nam trong quá trình tiếp tục tham gia vào tiến trình hợp tác trên và dự báo triển vọng tham gia của Việt Nam trong những năm sắp tới.
Những vấn đề được đề cập trong công trình này là những vấn đề mới và phức tạp. Hy vọng những thông tin trong cuốn sách này sẽ là nguồn tư liệu hữu ích cho những ai quan tâm và nghiên cứu về ASEAN.
Trân trọng giới thiệu!
Phạm Vĩnh Hà