Trong quá trình phát triển đất nước nhiều hoạt động kinh tế gây ra những vấn đề về xã hội. Rồi đến lượt các vấn đề xã hội đó lại làm nảy sinh những hệ quả về mặt chính trị. Trong khi những hoạt động kinh tế có thể điều chỉnh khi phát hiện thấy sự bất hợp lý, thì các vấn đề xã hội lại không dễ gì khắc phục. Các hệ quả về mặt chính trị của chúng lại càng khó giải quyết. Vì vậy, sớm phát hiện các hệ quả xã hội của các hoạt động kinh tế để kịp thời điều chỉnh các hoạt động đó là cần thiết. Phát triển khu công nghiệp là một trong các hoạt động kinh tế làm nảy sinh những hệ quả xã hội cả tích cực lẫn tiêu cực.
Tác động xã hội vùng của một khu công nghiệp chính là các tác động trực tiếp và gián tiếp tới cuộc sống của những người dân ở các địa phương lân cận khu công nghiệp đó. Một khu công nghiệp có rất nhiều tác động xã hội vùng, chẳng hạn, tác động tới việc làm và nghề nghiệp; thu nhập và mức sống; cơ hội tiêu dùng và dịch vụ công cộng; đô thị hóa và cơ sở hạ tầng; tác động về mặt nhân khẩu học; tác động về môi trường và sức khỏe; tác động tới trật tự an toàn xã hội; tác động tới văn hóa và giá trị truyền thống....
Cuốn sách là kết quả của nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu khoa học theo Nghị định thư “Khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam: Những tác động xã hội vùng” do Viện Kinh tế và Chính trị thế giới thực hiện trong hai năm 2010 và 2011. Cuốn sách tập trung vào phát hiện, đánh giá và phân tích các tác động xã hội vùng của việc phát triển khu công nghiệp tới cộng đồng dân dân cư ở các địa phương xung quanh khu công nghiệp. Đồng thời giới thiệu một số kinh nghiệm của các nước Đông Á về tác động xã hội vùng của khu công nghiệp.
Nội dung được trình bày trong 3 chương. Chương 1 - Sự phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam - khái quát lịch sử phát triển, đặc trưng của các khu công nghiệp ở Việt Nam.
Chương 2 - Tác động xã hội vùng của các khu công nghiệp ở Việt Nam - trình bày các kết quả nghiên cứu về các tác động xã hội vùng ở Việt Nam.
Chương 3: Kinh nghiệm Đông Á. Các tác giả đề cập tới một số kinh nghiệm về tác động xã hội vùng của các khu công nghiệp ở 8 nước Đông Á, từ Nhật Bản ở phía Bắc tới Indonesia ở phía Nam.
Phần kết luận đề xuất một số kiến nghị nhằm hạn chế tác động xã hội vùng tiêu cực của các khu công nghiệp ở Việt Nam.
Nguyễn Vũ