"Xã hội học văn học” là một lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam so với các chuyên ngành khác thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và được đề cập đến ở trong nước khoảng hơn mười năm trở lại đây. Trong cuốn sách (gồm 2 phần) này, các tác giả tập trung vào chủ đề khá hẹp là "xã hội học văn học Pháp".
Phần thứ nhất đề cập đến một số vấn đề chung liên quan đến xã hội học văn học Pháp thế kỉ XX. Tiếp theo là các bài giới thiệu các nhà xã hội học văn học tiêu biểu ở Pháp trong thế kỉ XX như L. Goldmann, R. Escarpit, P. Bourdieu. Dành cho phần nghiên cứu ứng dụng tại Việt Nam, cuốn sách đã đề cập đến những vấn đề chung như khả năng ứng dụng lý thuyết “trường” vào nghiên cứu đời sống văn học nghệ thuật ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, từ đó hướng về một số nghiên cứu cụ thể hơn như hoạt động văn học giai đoạn hòa bình lập lại (1954) xét từ lý thuyết trường của P.Bourdieu, nghiên cứu xã hội học văn học trường hợp Trần Dần hoặc nghiên cứu thẩm mỹ tiểu thuyết dịch từ góc độ xã hội học qua trường hợp tác phẩm Bà Bovary ở Việt Nam.
Phần thứ hai đề cập đến các nghiên cứu cụ thể hơn nhằm làm rõ các giao lưu giữa văn học và xã hội học, đây là phần văn bản dịch thuật giúp người đọc có cơ hội được tiếp xúc với một văn bản gốc (trích dịch) của các nhà xã hội học văn học Pháp.
Xã hội học văn học là một lĩnh vực nghiên cứu khá đặc biệt, tương đối phức tạp và không đồng nhất, nên việc tiếp cận xã hội học văn học từ mối quan hệ giữa văn học và xã hội cần có sự đầu tư thích đáng và tích cực của nhiều người, nhiều nhà nghiên cứu. Tại Việt Nam đã xuất hiện những nghiên cứu văn học Việt Nam dựa trên thành tựu của các nhà xã hội học văn học Pháp và đây cũng là hướng nghiên cứu mới nhằm phát triển nền lý luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam ở thế kỷ XXI.
Hy vọng cuốn sách này cung cấp thêm những tiếng nói nhiều chiều và đa dạng để bạn đọc và các nhà nghiên cứu cùng tham khảo.
Xin trân trọng giới thiệu./.
Nguyễn Vũ