Văn hóa truyền thống người Thủy ở Tuyên Quang 10/12/2014

08/04/2015

2014

378

phuoc

http://vass.gov.vn/noidung/anpham/Lists/SachHangNam/View_Detail.aspx?ItemID=799

Cuốn sách là kết quả của đề tài khoa học xã hội và nhân văn “Văn hóa truyền thống của người Thủy ở Tuyên Quang” do Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang chủ trì, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học làm chủ nhiệm đề tài.

Người Thủy là tộc người nằm trong nhóm dân tộc thiểu số có số dân ít và tập trung chủ yếu ở tỉnh Tuyên Quang. Theo thống kê năm 2012, người Thủy có 21 hộ, 101 người (trong đó hiện có 77 người đang cư trú tại xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, số còn lại sống phân tán ở các địa phương khác do kết hôn, đi làm ăn...). Những năm gần đây, hệ thống cơ sở hạ tầng vùng người Thủy đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, đời sống người dân được cải thiện cả về vật chẩt và tinh thần. Tuy nhiên, do hạn chế về trình độ học vấn, địa bàn cư trú ở vùng đặc biệt khó khăn nên trình độ sản xuất và mức sống của người Thủy vẫn còn thấp so với các dân tộc khác cùng sống trong vùng. Mặt khác, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự biến đổi trong mọi lĩnh vực, từ văn hóa sản xuất đến văn hóa xã hội, văn hóa tinh thần. Những biến đổi đó có ý nghĩa tích cực, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho đồng bào; song cũng gây ra những tác động ngược chiều, đặc biệt là làm phai nhạt, thậm chí mất đi nhiều nét bản sắc văn hóa tộc người. Bên cạnh đó, còn phải tính đến một thực tế là với số lượng dân cư ít, đời sống kinh tế-văn hóa còn nhiều khó khăn, bản thân người Thủy chưa ý thức hết được giá trị của nền văn hóa mà họ đang sở hữu. Đây là trở lực không nhỏ đối với công tác sưu tầm, gìn giữ các sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể.

Qua một số nghiên cứu đã tiến hành ở các dân tộc thiểu số khác (Mường, Thái, Sán Dìu…) tác giả nhận thấy hiện nay, ở các tộc người này, nhiều yếu tố văn hóa truyền thống đã bị biến đổi hoặc phai nhạt, sự giao thoa văn hóa và sự "xâm thực" của văn hóa hiện đại ngày càng trở nên phổ biến. Thực tế này cũng xuất hiện rõ rệt ở người Thủy. Bởi vậy, việc nghiên cứu văn hóa truyền thống của người Thủy nhằm đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tộc người trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là hết sức cần thiết.

Nội dung cuốn sách được trình bày trong 5 chương. Chương 1: Đặc điểm môi trường lịch sử người Thủy. Chương 2: Hoạt động sinh kế: trồng trọt, chăn nuôi, nghề thủ công, khai thác nguồn lợi sẵn có, trao đổi mua bán, và một số biến đổi trong hoạt động sinh kế. Chương 3: Văn hóa vật chất: ẩm thực, trang phục, nhà ở, công cụ sản xuất, phương tiện vận chuyển và đi lại. Chương 4: Văn hóa xã hội, với các nội dung về hôn nhân, gia đình, phong tục-tập quán và nghi lễ trong chu kỳ đời người, làng bản. Chương 5: Văn hóa tinh thần – Văn học-văn nghệ dân gian, tri thức dân gian, y học dân gian. Chương 6: Giải pháp bảo tồn, văn hóa truyền thống của người Thủy.

Hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp những thông tin bổ ích về văn hóa của người Thủy cho bạn đọc. Xin trân trọng giới thiệu./.

  •  
     
  •