Trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển những thập niên qua, vốn xã hội được coi là chất kết dính các thành phần xã hội lại với nhau và là môi trường mà trong đó các thể chế có thể tạo nên những liên kết. Có thể nói, vốn xã hội có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở các nước, việc nghiên cứu nó mang lại nhiều gợi ý chính sách cho quá trình phát triển.
Tại Việt Nam, tác giả cho rằng, vốn xã hội giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bền vững, nhất là việc giải quyết các chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng Bắc Bộ nói riêng. Cần sử dụng nguồn vốn xã hội như một nguồn lực quan trọng trong sự phát triển cùng với sự tăng trưởng về phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường. Mặc dù, ở Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về vốn xã hội, nhưng những nghiên cứu chuyên sâu về vốn xã hội liên quan đến phát triển bền vững chưa được tiến hành. Các nghiên cứu hiện có cũng chưa chú ý đến việc phân biệt vốn xã hội theo lát cắt truyền thống/hiện đại, từ đó xem xét tác động hai mặt của vốn xã hội truyền thống đối với phát triển và chú ý xem xét sự tác động của vốn xã hội đến thực tế phát triển bền vững vùng.
Cuốn sách được biên soạn dựa trên kết quả khảo sát tại hai địa bàn chịu ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hoá là Nam Định và Bắc Ninh đã cung cấp một cách toàn diện trên phương diện lý luận và thực tiễn về vốn xã hội trong phát triển bền vững nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ; tìm hiểu thực trạng tác động của vốn xã hội đến người nông dân trong quá trình phát triển 10 năm trở lại đây và đưa ra một số giải pháp ứng dụng vốn xã hội nhằm thúc đẩy phát triển bền vững nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ giai đoạn 2010-2020.
3 chương của cuốn sách tập trung trình bày một số nội dung chính sau.
Chương 1 - Vốn xã hội và phát triển bền vững vùng nông thôn - làm rõ các khái niệm vốn xã hội, phát triển bền vững; mối quan hệ giữa vốn xã hội và phát triền bền vững; khung phân tích vốn xã hội và phát triển bền vững khu vực nông thôn và điểm lại một số nghiên cứu về vốn xã hội ở Việt Nam. Đồng thời, tác giả cũng giới thiệu đôi nét về địa bàn nghiên cứu, về sự phát triển kinh tế- xã hội của Đồng bằng Bắc Bộ trong 10 năm gần đây.
Chương 2 - Vốn xã hội - yếu tố hỗ trợ người nông dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ trong quá trình phát triển, được tác giả làm rõ các mối quan hệ xã hội, mạng lưới xã hội với tư cách là vốn xã hội tại Đồng bằng Bắc Bộ thông qua các thiết chế gia đình, dòng họ, làng, nhóm xã hội và tổ chức xã hội. Chương 2 cũng trình bày kết quả nghiên cứu trên các khía cạnh: các loại vốn xã hội trong cộng đồng nghiên cứu, vai trò của vốn xã hội đối với người nông dân; làm rõ vốn xã hội tạo điều kiện giải quyết các vấn đề môi trường- xã hội của cộng đồng như thế nào và dự báo sự phát triển của vốn xã hội trong nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ đến năm 2020.
Chương 3 - Đầu tư, duy trì vốn xã hội và giải pháp xây dựng khai thác vốn xã hội để phát triển bền vững ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ - phân tích các yếu tố tác động đến sự hình thành, đầu tư và duy trì vốn xã hội như gia đình, dòng họ; việc đầu tư và duy trì vốn xã hội; những tác động tiêu cực của vốn xã hội trong bối cảnh làng xã. Tác giả cũng đưa ra một số khuyến nghị về việc xây dựng, khai thác vốn xã hội để phát triển bền vững nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích chocác nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và công bằng xã hội các vùng nông thôn ở Việt Nam cũng như độc giả quan tâm đến vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu./.
Nguyễn Vũ