Văn học Việt Nam hiện đại – sáng tạo và tiếp nhận

01/08/2015

2015

628

Phương Hoa

http://vass.gov.vn/noidung/anpham/Lists/SachHangNam/View_Detail.aspx?ItemID=823

Cuốn “Văn học Việt Nam hiện đại – sáng tạo và tiếp nhận” là tập sách tiểu luận phê bình thứ hai của tác giả Bích Thu (Viện Văn học)

Cuốn “Văn học Việt Nam hiện đại – sáng tạo và tiếp nhận” là tập sách tiểu luận phê bình thứ hai của tác giả Bích Thu (Viện Văn học), tiếp sau cuốn “Theo dòng văn học” ra đời năm 1998. Thông qua công trình này, tác giả đã cho người đọc thấy một bức tranh sống động về đời sống văn học Việt Nam hiện đại qua từng chặng đường, đặc biệt là trong xu thế đổi mới và hội nhập ngày nay.

45 bài viết có mặt trong cuốn sách là những tiểu luận, phê bình tác giả đã viết trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Các bài viết tập trung vào phân tích và nhận diện văn học Việt Nam hiện đại, xoay quanh bình diện sáng tạo và tiếp nhận qua các hiện tượng văn học, các vấn đề về thể loại, và các sáng tác của một số nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình đã có những đóng góp đối với đời sống văn học dân tộc qua các giai đoạn, đặc biệt là ở giai đoạn Đổi mới văn học. Nội dung gồm 2 phần chính:

Phần I: Thể loại – Đặc trưng và phát triển. Phần này bao gồm 10 bài viết về thể loại văn học trong đó thể loại tiểu thuyết đã được tác giả tập trung khảo sát và trình bày khá kỹ lưỡng thông qua một số bài viết như “Tiểu thuyết Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa văn học nửa đầu thế kỷ XX”; “Một cách tiếp cận tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ Đổi mới”; Ngôn ngữ tiểu thuyết Việt Nam đương đại”… Bên cạnh đó, tuy không đầy đủ và phong phú như tiểu thuyết song tác giả cũng dành sự quan tâm nhất định cho các thể loại khác như văn xuôi, thơ, kí sự, thông qua một số bài viết: “Văn xuôi của phái đẹp”; Nỗ lực đổi mới trong thơ nữ đương đại”; “Vấn đề hư cấu đối với thể ký”; “Sự giao thoa giữa truyện và ký”…

Phần II: Nhà văn – Chân dung và lối viết. Phần này bao gồm 35 bài viết, là những phác họa về chân dung và phong cách sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ tiêu biểu dựa trên các tác phẩm và đóng góp của họ đối với đời sống văn chương học thuật nước nhà. Đây đều là những tác giả đã được các nhà nghiên cứu, phê bình bàn đến rất nhiều trước đây, song cách tiếp cận riêng, khá linh hoạt với từng đối tượng, nhờ vào việc hiểu biết sâu và ý thức trân trọng những giá trị văn chương đích thực của tác giả Bích Thu vẫn đem đến cho người đọc những cảm nhận mới lạ. Một số bài viết đáng chú ý có thể kể đến như: “Nam Cao – những trang viết còn mãi với thời gian”; “Chất trữ tình trong truyện ngắn Lưu Quang Vũ”; “Nguyễn Huy Tưởng – nhà chép sử bằng văn chương”; “Hàn Mặc Tử: đau thương như một kinh nghiệm thẩm mỹ”; “Huy Cận ngọn lửa thiêng không tắt”; “Nguyễn Long: nhà thơ như một lữ khách”; “Hoàng Kim Dung: sống và viết với niềm đam mê thánh thiện”; “Cốt cách thơ Dương Kiều Minh”… Bên cạnh những bài nghiên cứu của tác giả, còn có một số bài viết về sáng tác của bạn bè, đồng nghiệp mà tác giả có điều kiện quen biết, gần gũi (“Cơn giông” của Lê Văn Thảo; “Luật đời cha và con” của Nguyễn Bắc Sơn; truyện ngắn “Người đàn bà không hóa đá” của Nguyễn Thế Tường; Hồi ức “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” của Hữu Mai…).

Cuốn sách đã cho người đọc thêm một góc nhìn về những chuyển biến, ngữ cảnh sáng tạo và sự vận động, phát triển của quá trình văn học, rất cần thiết cho những nhà nghiên cứu, phê bình văn học, giảng viên, học viên cùng những độc giả quan tâm tới văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập.

Xin trân trọng giới thiệu ./.

  •  
     
  •