Sau 11 năm kiên trì đàm phán, từ ngày 01 tháng 1 năm 2007, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - tổ chức kinh tế và thương mại lớn nhất hành tinh. Để tìm hiểu về hội nhập WTO, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới của Việt Nam và Viện Chính sách Kinh tế quốc tế của Hàn Quốc tổ chức một dự án nghiên cứu và hội thảo chung với chủ đề “Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO: Kinh nghiệm Hàn Quốc và định hướng của Việt Nam” để các nhà nghiên cứu của hai bên bày tỏ và chia sẻ những quan điểm của mình về vấn đề này. Từ kết quả của hội thảo cuốn sách cùng tên đã được biên soạn do TS. Lưu Ngọc Trịnh làm chủ biên.
Sách dày 335 trang, khổ 14,5x20,5 (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2007) gồm 10 chương: Chương 1: Kinh tế Việt Nam và một số đối sách phát triển sau gia nhập WTO. Chương 2: Việt Nam gia nhập WTO: Thời cơ và thách thức. Chương 3: Gia nhập WTO: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Chương 4: Vấn đề liên kết công nghiệp – thương mại Việt Nam hậu WTO. Chương 5: Sự phát triển của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam trong môi trường mậu dịch tự do. Chương 6: Nông nghiệp Việt Nam hội nhập WTO. Chương 7: Gia nhập WTO: Cơ hội và thách thức đối với khu vực dịch vụ Việt Nam. Chương 8: Hệ thống ngân hàng Việt Nam với việc hội nhập kinh tế quốc tế sau khi gia nhập WTO. Chương 9: Mối liên kết WTO và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam. Chương 10: Những vấn đề đặt ra đối với chính sách thuế của Việt Nam trong tiến trình gia nhập WTO.
Có thể nói rằng, bước qua ngưỡng cửa WTO, Việt Nam gần như đã hội nhập, đầy đủ và sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các cơ hội thị trường rộng mở gắn liền với áp lực cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh gia tăng sẽ tạo thành những động lực phát triển quan trọng nhất cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Việc có tạo ra và sử dụng tốt các động lực này hay không sẽ quyết định việc gia nhập WTO và hội nhập vào nền kinh tế thế giới có thực sự tốt cho Việt Nam hay không. Phải thừa nhận rằng, là nước gia nhập WTO muộn, Việt Nam phải chịu các điều kiện gia nhập khắt khe, thậm chí có thể nói là bất công, đặc biệt là đối với một nền kinh tế nghèo, kém phát triển và lại đang chuyển đổi như Việt Nam.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của các nước đi trước, nhất là của một số nước gần kề như Hàn Quốc, Trung Quốc và Campuchia, cho thấy Việt Nam không được phép và cũng không có lý do gì đặc biệt để bi quan trước triển vọng “hậu gia nhập WTO”. Vấn đề đặt ra là phải nghiêm túc xây dựng các kịch bản hội nhập một cách chặt chẽ. Thời gian thực hiện các cam kết WTO đối với Việt Nam sẽ ngắn hơn so với các nước đi trước. Nếu có một lộ trình hội nhập được thiết kế tốt, chắc chắn bước đi hội nhập của nền kinh tế và của doanh nghiệp sẽ tự tin, chắc chắn hiệu quả hơn nhiều. Thay đổi mô hình tăng trưởng cho phù hợp với các điều kiện toàn cầu hoá và gia nhập WTO. Hoàn chỉnh hệ thống thể chế kinh tế thị trường. Đây là một mục tiêu quan trọng, quyết định triển vọng Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường sau khi gia nhập WTO, bảo đảm cho Việt Nam tránh được những rủi ro và các tổn thất khi hội nhập.
Qua cuốn sách chúng ta sẽ hiểu kỹ hơn những tác động thuận nghịch của của việc Việt Nam gia nhập WTO, những cơ hội mà nó mang lại cho Việt Nam, đồng thời là những kinh nghiệm hiểu biết của Hàn Quốc trong việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới và khu vực, cũng như trong việc thích ứng với những luật chơi của WTO. Chúng ta hy vọng sẽ có thể rút ra những kiến nghị và bài học bổ ích nhắm tạo điều kiện để Việt Nam có được những chính sách, giải pháp và một lộ trình để thực hiện một cách tốt nhất cam kết của mình với WTO, vượt qua được những khó khăn và thách thức và tận dụng được thuận lợi có được sau khi gia nhập WTO để có thể hội nhập suôn sẻ vì sự phát triển bền vững của quốc gia.
Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn!
Doãn Thu Tơ