Cuốn sách “Một số vấn đề cơ bản về tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào Chăm ở hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận hiện nay” do PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương (Viện Nghiên cứu Tôn Giáo) chủ biên, khổ 14,5x20,5cm, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản tháng 6 năm 2007 là một ấn phẩm mới nhất viết về vấn đề này. Với độ dày 261 trang, chia thành 5 chương. Chương 1: “Người Chăm ở hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và những vấn đề cơ bản về tín ngưỡng, ma thuật của họ hiện nay” tác giả đã trình bày những nét cơ bản về tộc người Chăm nói chung, người Chăm ở Bình Thuận, Ninh Thuận nói riêng và những vấn đề về tín ngưỡng, ma thuật của họ hiện nay. Qua đó bạn đọc có thể thấy rõ những giai đoạn hình thành, phát triển cũng như những đặc điểm tôn giáo, lễ hội và các hình thức ma thuật của cộng đồng người Chăm, đặc biệt ở hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.
Chương 2: “Một số vấn đề cơ bản về Bàlamôn giáo của người Chăm ở hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận hiện nay” tác giả đã trình bày một số vấn đề như: Khái lược về lịch sử ra đời của Bàlamôn giáo; Quá trình xâm nhập của Bàlamôn vào cộng đồng người Chăm và sự hình thành cộng đồng Chăm Bàlamôn; Hệ thống thần linh, cơ sở thờ tự, kinh luật, lễ nghi, tổ chức và tầng lớp tu sĩ Chăm Bàlamôn.
Chương 3: “Một số vấn đề cơ bản về Hồi giáo, Bàni giáo và một số tôn giáo khác của người Chăm ở hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận hiện nay”. Đọc phần này độc giả có thể tìm thấy nhiều thông tin bổ ích xung quanh việc hình thành và phát triển của Bàni giáo, quá trình xâm nhập của Hồi giáo vào cộng đồng người Chăm - sự hình thành cộng đồng Chăm Bàni. Ngoài ra các thông tin về kinh sách, tín lý, luật lệ, lễ nghi, cơ sở thờ tự, tầng lớp tu sĩ Chăm Bàni, cộng đồng Chăm Islam, đạo Tin lành và đạo Công giáo của người Chăm ở Ninh Thuận cũng được trình bày chi tiết và hệ thống.
Chương 4: “Người Chăm Bàlamôn giáo, Bàni giáo, Islam giáo và các mối quan hệ” tác giả đã chia vấn đề thành 3 phần riêng biệt đó là “Mối quan hệ với người Chăm Islam ngoài Bình Thuận, Ninh Thuận”; “Mối quan hệ giữa người Chăm Islam với người Mã Lai”; “Mối quan hệ giữa Chăm Bàni và Chăm Bàlamôn qua một số lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo”. Qua đó độc giả có thể hiểu tường tận các mối quan hệ của người Chăm trong hệ thống các mối liên hệ xung quanh các dòng tôn giáo và tín ngưỡng.
Chương 5: “Một số vấn đề cơ bản về đời sống giữa Chăm Bàni và Chăm Bàlamôn qua một số lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo” qua phần này bạn đọc sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm Bàni và Chăm Bàlamôn được biểu hiện qua các lễ nghi như lễ cầu đảo, lễ chặn nguồn nước, lễ chém trâu tế Thần, các lễ nghi liên quan đến chu kỳ sinh trưởng của cây lúa, lễ mở cửa tháp, lễ hội Katê, lễ hội Chabur, lễ hội Rija Nưgar, lễ múa ban ngày, lễ cưới, lễ nhập Kút… Chính những tôn giáo, tín ngưỡng đó đã góp phần hình thành và làm phong phú thêm nền văn hoá của dân tộc Chăm với những bản sắc đặc thù và độc đáo.
Có thể nói các phần nội dung được trình bày trên đã cho chúng ta thấy phần nào bức tranh về đời sống sinh hoạt tôn giáo của người Chăm ở Bình Thuận và Ninh Thuận, qua đó người đọc được nhiều hiểu biết về đời sống tinh thần của đồng bào Chăm dưới góc độ lễ giáo và tín ngưỡng, bởi lẽ trong quá trình phát triển của mình người Chăm đã tiếp nhận Bàlamôn giáo và Hồi giáo trên cơ sở giao lưu văn hoá có chọn lọc để tạo nên tôn giáo Bàlamôn và Bàni giáo có những nét đặc thù riêng biệt.
Hy vọng bạn đọc sẽ tìm thấy nhiều thông tin bổ ích và lý thú khi đọc cuốn sách này.
Xin trân trọng giới thiệu!
Phạm Vĩnh Hà