Trên cơ sở mục tiêu đó, cuốn sách “Kinh tế, chính trị Thế giới năm 2006 và triển vọng năm 2007”, do TS. Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Hồng Ca (đồng chủ biên), khổ 14,5x20,5cm, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản tháng 7 năm 2007 đã tập trung làm sáng tỏ những đặc điểm và xu hướng phát triển cơ bản của kinh tế thế giới năm 2006-2007; Dự báo tình hình kinh tế và chính trị thế giới năm 2007 (những đặc điểm và xu hướng phát triển chủ yếu). Qua đó, đánh giá những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam nhìn từ khía cạnh kinh tế - chính trị và đưa ra một số kiến nghị về đối sách của Việt Nam.
Nội dung cuốn sách gồm 4 chương:
Chương I: Nghiên cứu tổng quan về Kinh tế và chính trị thế giới và khu vực năm 2006. Phần này đưa ra một bức tranh toàn cảnh về kinh tế và chính trị thế giới năm 2006 về: đặc điểm kinh tế vĩ mô, thương mại, đầu tư, tài chính - tiền tệ; các vấn đề về an ninh, hoà bình và xung đột, các vấn đề về cục diện và trật tự chính trị thế giới…
Chương II: Nghiên cứu một số đặc điểm chủ yếu của quan hệ kinh tế quốc tế năm 2006 đã đi sâu vào nghiên cứu những đặc điểm nổi bật nhất trong năm trên các khía cạnh như thương mại, đầu tư, tài chính - tiền tệ.
Chương III: Nghiên cứu về những đặc điểm chủ yếu của chính trị thế giới năm 2006. Phần này cũng đi sâu vào nghiên cứu các đặc điểm nổi bật của năm 2006, tuy nhiên các nghiên cứu lại tập trung vào những vấn đề khác thuộc khía cạnh: Cục diện và trật tự thế giới; Các vấn đề về an ninh, xung đột và hoà bình thế giới…
Chương IV: Đánh giá triển vọng của kinh tế và chính trị thế giới năm 2007 trên các lĩnh vực cơ bản như các đặc điểm về kinh tế vĩ mô, thương mại, đầu tư, tài chính và tiền tệ; các vấn đề về cục diện an ninh, hoà bình, trật tự chính trị thế giới…Các tác giả đã có những đánh giá về triển vọng đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam nhìn từ kinh tế và chính trị, qua đó đưa ra một số khuyến nghị cụ thể về đối sách cho Việt Nam.
Ngoài các nội dung trên, còn có phần phụ lục về kinh tế một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Khu vực đồng Euro, Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN; Một số đặc điểm về kinh tế Việt Nam năm 2006 và chỉ tiêu phát triển năm 2007; Thống kê tình hình kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam gồm hệ thống các bảng biểu minh hoạ cho những nhận định trong những chương trên, đồng thời đây cũng chính là cơ sở dữ liệu tương đối hệ thống về kinh tế thế giới giúp cho người đọc có thêm nhiều tư liệu để tham khảo.
Hy vọng cuốn sách sẽ là nguồn tư liệu cần thiết cho bạn đọc, nhất là đối với người làm công tác quản lý và hoạch định chính sách.
Xin trân trọng giới thiệu!
Phạm Vĩnh Hà