Hiện nay, toàn cầu hoá đã trở thành một vấn đề thời sự và thu hút sự quan tâm chú ý của giới nghiên cứu, giới chính trị, cũng như của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên thế giới. Sở dĩ như vậy vì quá trình này đang cuốn vào bản thân nó vận mệnh không chỉ của mỗi cá nhân, mà của cả quốc gia, dân tộc, châu lục, cho đến toàn thể nhân loại.
Cuốn sách “Toàn cầu hoá những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hoá” của tác giả Phạm Thái Việt, được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2006 với dung lượng 415 trang, khổ 14,5x20,5cm. Phần 1 “Khái niệm và cách tiếp cận”. Chương I: Khái niệm toàn cầu hoá tìm hiểu về sự ra đời và tính phổ dụng của thuật ngữ “toàn cầu hoá”, định nghĩa toàn cầu hoá với một số phương án tiêu biểu và phân tích ngắn gọn về các đặc trưng: công nghệ mới, sự tập trung thông tin cho phép thực hiện liên lạc trực tiếp, sự gia tăng xu hướng chuẩn hoá các sản phẩm kinh tế và xã hội, gia tăng hội nhập xuyên quốc gia, tính dễ làm tổn thương lẫn nhau do sự tuỳ thuộc vào nhau tăng lên của toàn cầu hoá. Chương II: Các cách tiếp cận chính đối với toàn cầu hoá tập trung xem xét năm phương pháp tiếp cận mà các nghiên cứu về toàn cầu hoá sử dụng: cách tiếp cận hệ thống - thế giới; văn hoá; xã hội toàn cầu; chủ nghĩa tư bản toàn cầu và cách tiếp cận logic và lịch sử.
Phần 2 “Những biến đổi trong đời sống chính trị quốc tế” gồm: Chương III “Sự biến dạng của hệ thống quan hệ quốc tế; Chương IV “Sự nổi lên của các tổ chức phi chính phủ”; Chương V “Áp lực đối với nhà nước dân tộc”. Đọc 3 chương này độc giả sẽ thấy được mối quan tâm hàng đầu hiện nay của chính giới là tình trạng ngày càng căng thẳng giữa mối quan hệ nhà nước và các cá nhân trong điều kiện toàn cầu hoá. Bản chất của sự căng thẳng này là việc các cá nhân ngày càng gia tăng áp lực lên nhà nước trong một cuộc đấu tranh đòi chia sẻ quyền lực và quyền tham dự vào hoạt động quản lý cũng như hoạch định chính sách của nhà nước, và sự trỗi dậy của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) là hiện thân cho một xu hướng trong đời sống chính trị quốc tế…
Ở đây, bạn đọc còn biết thêm được nhiều vấn đề xung quanh các tác động của toàn cầu hoá đến nhà nước, dân tộc như vấn đề “Biến dạng lãnh thổ”; “Biến dạng xã hội công dân hay cơ cấu dân tộc trong lòng nhà nước”; “Biến dạng cơ cấu quyền lực trung ương”; “Biến dạng chủ quyền”…
Phần 3 “Những biến đổi trong đời sống văn hoá” gồm 4 chương : Chương VI “Sự gia tăng vai trò của văn hoá”; Chương VII: “Một số nét mới của tôn giáo và nghiên cứu tôn giáo hiện nay”; Chương VIII “Giao lưu văn hoá trong điều kiện toàn cầu hoá”; Chương IX “Bản sắc văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá”. Đọc phần 3 này độc giả có thể thấy một cách rõ ràng cùng với sự phát triển của nhân loại thì "vai trò của văn hoá tỷ lệ thuận với thời gian lịch sử, là một tính quy luật. Dưới sự chiếu sáng của tính quy luật ấy, toàn cầu hoá chỉ là nấc thang lịch sử trong quá trình khai mở các tiềm năng văn hoá”, các loại hình giao lưu văn hoá để từ đó có thể khẳng định một điều: giao lưu văn hoá là quy luật tồn tại và phát triển của mọi nền văn hoá và mọi xã hội, là hình thái của sự vận động xã hội mang tính tự nhiên và tất yếu. Mặt khác, phần này còn giúp cho độc giả hiểu được những biến đổi, tác động xã hội trong đời sống chính trị đương đại cũng góp phần đưa tôn giáo thành một điểm nóng trong các nghiên cứu, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới chính trị và giới hoạch định chính sách. Tôn giáo thực sự đã trở thành một sức mạnh định hình nền chính trị quốc tế. Cùng với sự phát triển của lịch sử, tôn giáo cũng đang biến đổi và do đó có thêm sức sống mới để khẳng định vị trí của mình trong đời sống toàn cầu.
Phần 4 “Quản lý toàn cầu hoá” gồm hai chương: Chương X “Quản lý toàn cầu hoá – nhu cầu và phương án” và chương XI “Hành động thực tế”. Hai chương này được xem là phần mà tác giả muốn chia sẻ mối quan tâm cùng bạn đọc: Có cần quản lý toàn cầu hoá? Ai là người có đủ năng lực để đứng ra quản lý toàn cầu hoá? Tại sao chúng ta phải hợp tác vì lợi ích đa phương? Tại sao chúng ta phải thực thi chiến lược “phát triển bền vững”… phải chăng đó là vì mục tiêu xoá đói giảm nghèo, chống tham nhũng, cứu trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả thiên tai, chuyển giao công nghệ… nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, mọi dân tộc, mọi quốc gia.
Bằng cách phân tích những xu hướng vận động đang diễn ra trong thực tiễn đời sống chính trị, xã hội, văn hoá của các cộng đồng truyền thống Phạm Thái Việt đã lột tả toàn cầu hoá như một hiện thực tiềm chứa nhiều khuynh hướng, nhiều biến đổi trong đó lợi ích và thách thức là ngang bằng.
Hy vọng cuốn sách sẽ trở thành nguồn tư liệu hữu ích cho những ai quan tâm tìm hiểu về vấn đề này.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phạm Vĩnh Hà