Hiện nay, Đảng ta đang chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa song song với chủ trương xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Để đạt được điều đó tất yếu phải xây dựng được một nhà nước mạnh, quản lý có hiệu quả, nhà nước của dân, do dân và vì dân, quyền lực nhà nước tập trung thống nhất không phân chia song có phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực thi các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Thực hiện mục đích đó cần có sự thống nhất về nhận thức và hành động thực tiễn. Vì vậy, việc tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong đó có Nhật Bản là rất cần thiết. Nhật Bản với tư cách là nước đầu tiên ở Châu Á tiến hành xây dựng nhà nước theo thể chế tam quyền phân lập nên nghiên cứu đất nước này chắc chắn sẽ cho ta những kinh nghiệm quý báu.
Ở nước ta, cho đến nay, cũng có một số công trình đề cập đến vấn đề tam quyền của Nhật Bản như cuốn “Thuyết “Tam quyền phân lập” và bộ máy nhà nước tư sản hiện đại” do Đinh Ngọc Vượng chủ biên; cuốn: “Thể chế chính trị thế giới đương đại” do PGS.TS Dương Xuân Ngọc và TS. Lưu Văn An chủ biên…Tuy nhiên cũng chưa có một cuốn sách nào của học giả Việt Nam đề cập đến thể chế tam quyền phân lập ở Nhật Bản một cách độc lập và hoàn chỉnh. Chính vì lý do này mà tháng 12/2008 TS. Hồ Việt Hạnh (Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện KHXH Việt Nam) đã cùng với Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách “Thể chế tam quyền phân lập Nhật Bản”.
Với kết cấu gồm 4 chương, chương I: Thể chế tam quyền phân lập và sự tiếp nhận nó của Nhật Bản, tác giả đã trình bày rất rõ các khái niệm liên quan đến thể chế tam quyền phân lập và phân tích mối quan hệ biện chứng của nó trong việc tiếp nhận chế độ chính trị này tại Nhật Bản; Chương II: Ba nhánh quyền lực trong bộ máy nhà nước Nhật Bản, ở phần này tác giả đã cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin chi tiết liên quan tới cơ quan lập pháp (Nghị viện), hành pháp (Nội các) và tư pháp (Toà án) của Nhật Bản; Chương III: Quan hệ giữa ba nhánh quyền lực của nhà nước Nhật Bản, phần này tác giả đã cố gắng làm rõ hơn mối quan hệ giữa cơ quan lập pháp với cơ quan hành pháp, giữa lập pháp với tư pháp; giữa hành pháp và tư pháp qua đó để có những đánh giá, nhận định cụ thể được trình bày ở chương IV: Một số đánh giá về thể chế tam quyền phân lập ở Nhật Bản, tại chương này, ngoài đánh giá về mức độ triệt để của thể chế tam quyền ra tác giả còn có một số những nghiên cứu, nhận định khác về vấn đề dân chủ để từ đó rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.
Có thể nói công trình của TS. Hồ Việt Hạnh là một trong những công trình có đóng góp rất lớn trong việc bổ sung vào sự thiếu hụt những tri thức về thể chế chính trị của Nhật Bản hiện nay tại Việt Nam. Hy vọng thông qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ tìm thấy nhiều thông tin có giá trị về vấn đề mình quan tâm.
Trân trọng giới thiệu!
Phạm Vĩnh Hà