Cuốn sách “Khoa học xã hội Nam Bộ nhìn về lịch sử, nhìn vào hiện tại, nhìn ra khu vực” phản ánh một phần kết quả nghiên cứu năm 2007 của các nhà nghiên cứu và cộng tác viên của Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ và Tạp chí Khoa học xã hội. Nội dung cuốn sách gồm 4 phần.
Phần thứ nhất đề cập đến hai mặt của xã hội và con người: nhìn về một phía là những tệ nạn xã hội còn phía kia là những sức mạnh tiềm tàng của con người, của cộng đồng. Bốn bài viết trong phần này giống như những câu chuyện hiện đại về một triết lý cổ xưa của loài người: bánh xe luân hồi trong cuộc đời dài lâu của loài người là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ giữa cái thiện và ác; những tác hại nặng nề do đại dịch HIV/AIDS mang lại; vấn đề bạo lực cũng được đề cập tới như một tệ nạn đáng hổ thẹn trong cộng đồng. Một vấn đề hết sức nóng bỏng trong cuộc sống cũng được đề cập đến đó là cuốn sách đã cho ta thấy được một phần những khó khăn dai dẳng mà phụ nữ nghèo phải đương đầu từ ngày này qua ngày khác để có thể tiếp cận được với hệ thống chăm sóc y tế (mà một bên khuôn mặt – chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y tế cộng đồng – mang dáng dấp mẹ hiền; nhưng phía kia của khuôn mặt – y tế điều trị cao cấp – sao khó với những thân phận nghèo, bởi nó đòi nhiều tiền quá)…
Phần thứ hai với nhan đề “Nói về Thành phố Hồ Chí Minh, nói với Thành phố Hồ Chí Minh”. Phần mục này gồm năm bài viết của các nhà nghiên cứu và cộng tác viên của Viện. Bài của Lê Văn Thành, Trần Đan Tâm và Nguyễn Đặng Minh Thảo đề cập một câu hỏi nghiên cứu quan trọng đó là: Người lao động nhập cư là gánh nặng của thành phố hay có đóng góp cho thành phố? Mặc dù đây là câu hỏi mang tính cổ điển đối với hiện tượng người nhập cư trên thế giới nhưng câu hỏi này đối với Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung lại mang một ý nghĩa khác, bài viết của nhóm tác giả trên mô tả những khó khăn thiên hình vạn trạng của người nhập cư, đồng thời qua đó cũng làm rõ những đóng góp của họ trong quá trình phát triển. Vấn đề đáng nói tới ở đây là họ chưa được hưởng phần xứng đáng trong chiếc bánh phát triển đô thị mà họ có phần đóng góp.
Dựa trên việc nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài bài viết của tác giả Nguyễn Minh Hoà lại gợi ra một ý tưởng đầy ý nghĩa: giữ lại trong lòng thành phố những mảng xanh nông thôn. Đây là một ý tưởng dễ thương và hấp dẫn nhưng liệu ta có thể hy vọng thấy điều này ở Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai gần hay không? Để thực hiện hoá ước mơ ấy cần một số điều kiện cốt yếu mà một trong những điều kiện ấy là “hiệu quả chính quyền” được bàn đến trong bài viết của tác giả Lê Xuân Diệm…
Nghiên cứu lịch sử là một trong những thế mạnh của Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ và đây là chủ đề của Phần thứ ba. Trong phần này các nhà nghiên cứu tiếp tục phác hoạ những chân dung lớn trong lịch sử Việt Nam đó là: Đặng Nguyên Cẩn và những chiến hữu của ông trong phòng trào Duy Tân đầu thế kỷ XX, đó là Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc những năm 1920. Tiếp theo là bức chân dung hai con người đã đi vào lịch sử Nam Bộ: Nhà báo yêu nước Dương Tử Giang và Lê Văn Giảng trong vai trò kiến tạo Phật giáo Theravada ở Việt Nam. Cuối cùng là chân dung nhà khoa học Ca Văn Thỉnh, vị Viện trưởng đầu tiên của Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ với hai bài viết: Ca Văn Thỉnh: Đời người và sự nghiệp; Đóng góp của Ca Văn Thỉnh trong nghiên cứu văn học.
Phần thứ tư gồm những bài viết về chủ đề tôn giáo (giới thiệu kết quả nghiên cứu năm 2006 của các học giả và cộng tác viên của Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ) tập trung vào các hướng như nhìn về kinh nghiệm lịch sử, hiện tại trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, phải nói thêm rằng điểm nhấn của cuốn sách là bài viết của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, GS. TS. Đỗ Hoài Nam. Đây là bài đề dẫn cho một hội nghị quan trọng của Viện đầu năm 2007, trong đó đề xuất những hoạt động cơ bản tạo đột phá phát triển mới cho Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, hàm chứa những đề nghị về một tầm nhìn mới cho nền khoa học xã hội nước nhà.
Hy vọng cuốn sách sẽ trở thành một tài liệu thú vị và hữu ích đối với đông đảo bạn đọc.
Trân trọng giới thiệu.
Phạm Vĩnh Hà