Ngày nay Nhật Bản vẫn là một cường quốc về kinh tế và đứng hàng thứ hai trên thế giới về quy mô và trình độ phát triển chỉ sau Hoa Kỳ. Trong nhiều kết quả nghiên cứu có được về nền kinh tế Nhật Bản đã chứng minh rằng một trong những nguyên nhân góp phần tạo nên sự thành công về kinh tế của Nhật Bản là nhờ có mô hình quản lý nguồn nhân lực độc đáo ở trong các doanh nghiệp Nhật Bản. Mô hình quản lý này đã phát huy được các tác dụng tích cực trong việc nâng cao năng suất lao động trong điều kiện cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Một doanh nghiệp có thể phát triển hay không cũng sẽ phụ thuộc vào khâu tổ chức quản lý các nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực con người và phương thức làm ăn mà nó áp dụng. Thực tiễn của Nhật Bản đã chứng minh cho sự thành công của mô hình quản lý này, chí ít ra trong suốt thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao độ.
Từ thực tiễn nước ta cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục chuyển đổi và hoàn thiện hơn theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt đối với tiến trình cổ phần hóa và đổi mới quản lý ở doanh nghiệp nhà nước hiện nay, các doanh nghiệp tham gia trong một nền kinh tế thị trường đều phải cố gắng tạo lập cho mình mọi khả năng cạnh tranh tốt nhất nếu muốn doanh nghiệp của mình tồn tại và phát triển đi lên và có thể chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Để giúp độc giả có thêm những thông tin về quản lý nguồn nhân lực ở doanh nghiệp Nhật Bản, Nhà xuất bản Khoa học xã hội và Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã xuất bản cuốn “Quản lý nguồn nhân lực ở doanh nghiệp Nhật Bản & Bài học kinh nghiệm cho doanh nhân Việt Nam”, nội dung sách được tác giả trình bày trong 3 chương, chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn hình thành mô hình quản lý nguồn nhân lực trong doanh nghiệp Nhật Bản; Chương 2: Những nội dung chủ yếu trong mô hình quản lý nguồn nhân lực ở doanh nghiệp Nhật Bản; Chương 3: Khả năng và điều kiện vận dụng kinh nghiệm Nhật Bản trong quản lý nguồn nhân lực ở doanh nghiệp Việt Nam.
Việc học hỏi các hình thức quản lý khác nhau trên thế giới, trong đó có quản lý nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp Nhật Bản, kể cả các mặt được và chưa được, là một điều hết sức cần thiết và hữu ích trong điều kiện thực tế hiện nay ở Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn !
Nguyễn Vũ