Tây nguyên nằm ở phía tây nam Việt Nam có diện tích tự nhiên trên 5,5 triệu km2, bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng, với 58 đơn vị hành chính cấp thành phố, huyện (3 thành phố, 5 thị xã và 50 huyện), 691 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn (580 xã, 65 phường và 46 thị trấn) và 6,889 thôn, buôn được coi là địa bàn chiến lược về môi trường sinh thái, chính trị, an ninh quốc phòng và kinh tế của cả nước.
Trải qua quá trình biến động và xáo trộn cư dân trong lịch sử, từ sau năm 1975 đến nay dân số toàn vùng có 5,021,376 người thuộc 47 dân tộc, chia thành 2 bộ phận: các dân tộc mới đến 3,738,325 người, gồm người Kinh 3,362,500 người, các dân tộc thiểu số ở phía Bắc 375,825 người và các dân tộc thiểu số tại chỗ 1,280,200 người. Khác với nhiều vùng miền núi trong cả nước, trong truyền thống, buôn làng Tây Nguyên là đơn vị tự quản, cư trú độc lập và duy nhất. Mỗi buôn làng là một thể chế kinh tế, xã hội, văn hoá và một không gian sinh tồn tự nhiên, riêng biệt và khép kín. Vì vậy vấn đề tổ chức và hoạt động của buôn làng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình tồn tại và phát triển của các dân tộc thiểu số tại chỗ nói riêng và của vùng Tây Nguyên nói chung.
Để giúp bạn đọc có nhiều thông tin chi tiết hơn về vấn đề tổ chức và hoạt động của buôn làng chúng tôi xin được giới thiệu cuốn sách Tổ chức và hoạt động buôn làng trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên. Với độ dày 227 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, in xong và nộp lưu chiểu tháng 9/2010, cuốn sách là kết quả của các cuộc điều tra, nghiên cứu của TS. Bùi Minh Đạo trong nhiều năm, nhất là trong hai năm 2008-2009, với sự hỗ trợ tư liệu của một số cộng sự thuộc Viện Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên và sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ và nhân dân các địa phương Tây Nguyên trong quá trình đi thực địa. Mục tiêu của cuốn sách là làm sáng tỏ thực trạng tổ chức và hoạt động của buôn làng Tây Nguyên trong lịch sử, từ các thời kỳ như: Pháp thuộc, chính thể Ngô Đình Diệm, chính thể Nguyễn Văn Thiệu, vùng căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến và đặc biệt từ năm 1975 đến nay trên nhiều chiều cạnh như: không gian sinh tồn kinh tế, xã hội, văn hoá và không gian sinh tồn tự nhiên. Trên cơ sở đó bước đầu đề xuất các quan điểm, kiến nghị và giải pháp làm cơ sở khoa học góp phần xây dựng buôn làng mới trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, nội dung cuốn sách được chia làm các phần như sau:
Phần I: Tổng quan về các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên;
Phần II: Tổ chức và hoạt động buôn làng Tây Nguyên từ truyền thống đến trước năm 1975;
Phần III: Tổ chức và hoạt động buôn làng Tây Nguyên từ sau năm 1975 đến nay;
Phần IV: Một số vấn đề đặt ra và quan điểm, kiến nghị, giải pháp xây dựng buôn làng Tây Nguyên trong phát triển bền vững hiện nay.
Hy vọng cuốn sách sẽ trở thành tư liệu không thể thiếu đối với những ai quan tâm và nghiên cứu về phát triển vùng Tây Nguyên.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Hà Vĩnh