Với 18 bài, sắp xếp theo thứ tự thời gian từ năm 1960 đến năm 2008, “Lâm Quang Huyên – Những bài viết về kinh tế (1960-2008)” giúp bạn đọc có thêm tư liệu tìm hiểu bức tranh kinh tế - xã hội nhiều chiều trong một phần tư thế kỉ qua. Cuốn sách đi từ các vấn đề lý luận của các nhà tư tưởng lớn như Hồ Chí Minh, V.I. Lênin, Alecxanđrơ Traianôp. Đó là tư tưởng suốt đời đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân, phê phán chủ nghĩa đế quốc, lên án chính sách của thực dân Pháp đối với Việt Nam. Người đọc cũng dễ dàng nhìn thấy ý kiến nhiều chiều và đúc kết thành những bài học, thành quả kinh tế trong lịch sử. Bức tranh ấy là cách thức sử dụng ruộng đất, cách mạng ruộng đất ở Miền Nam Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vai trò của nông nghiệp, nông hộ, kinh tế trang trại và các hình thức hợp tác trong nông nghiệp; về lưu thông tiền tệ, tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, một số vấn đề kinh tế, xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Nguyên; một số vấn đề kinh tế quốc tế.
Thông qua “Kinh nghiệm sử dụng ruộng đất của hợp tác xã Lương Lỗ” ngoài các biện pháp khai hoang, tăng vụ, trồng cây xen kẽ các loại hoa màu… cần tính đến việc tích cực thâm canh tăng năng suất, áp dụng đầy đủ mạnh dạn các biện pháp kĩ thuật liên hoàn. Hay, “Trang trại là xu hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp nước ta” tác giả đã khẳng định con đường sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp của nước ta chuyển sang sản xuất hàng hóa là con đường trang trại gia đình.
Ngoài ra, để bạn đọc hiểu rõ hơn về những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, trăn trở của bản thân tác giả về quê hương Đà Nẵng, Nhà xuất bản đăng thêm ba bài được viết dưới dạng hồi kí những kỷ niệm của tác giả với Viện Kinh tế Việt Nam, truyền thống của trường Nghĩa Thục An Phước, thành phố Đà Nẵng và bài viết về những năm tháng của thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Hòa Vang.
Đỗ Thị Mai