Cuốn sách gồm 5 chương, với 13 bản đồ, 152 bản vẽ và 202 ảnh màu, đề cập đến những nội dung chủ yếu sau đây.
Chương 1 - Tổng quan tư liệu vùng lòng hồ Plei Krông - khái quát địa lý nhân văn và tình hình điều tra, khai quật khảo cổ học vùng lòng hồ thủy điện Plei Krông. Các di chỉ khảo cổ vùng lòng hồ thủy điện Plei Krông có mật độ phân bố tập trung cao, liên quan mật thiết với cảnh quan môi trường vùng trũng Kon Tum, nơi hợp lưu hai con sông lớn nhất Bắc Tây Nguyên là Đắk Bla và Krông Pôkô. Đây cũng là nơi cư trú lâu đời của các tộc người Giẻ -Triêng, Xơ Đăng và Ba Na nói ngôn ngữ Mon - Khmer, thuộc ngữ hệ Nam Á và của người Gia Rai nói ngôn ngữ Malayo-Polynesien, thuộc ngữ hệ Nam Đảo.
Chương 2 - Những di tích và di vật được khai quật trong lòng hồ thủy điện Krông Pôkô - trình bày kết quả khai quật các di chỉ vùng lòng hồ thủy điện Plei Krông theo trật tự: vị trí di chỉ, quá trình phát hiện, khai quật; kết quả nghiên cứu về địa tầng, bếp, mộ táng, các hố đất đen, các cụm gốm, các lò luyện sắt; các di vật khai quật được gồm đồ đá, đồ kim loại và đồ gốm, cùng nhận xét sơ bộ về tính chất, niên đại và giá trị lịch sử văn hóa của từng di chỉ.
Chương 3 - Những đặc trưng cơ bản về di tích, di vật, niên đại và các giai đoạn phát triển - nghiên cứu tổng hòa các đặc trưng cơ bản về khảo cổ học vùng lòng hồ, niên đại và các giai đoạn phát triển. Các tác giả đưa ra một số nhận định chính:
- Cư dân Tiền - sơ sử ở đây cư trú tập trung trong một số làng cổ dọc hai bờ sông Krông Pôkô, tạo thành các nhóm, mỗi nhóm gồm một vài di tích liền khoảnh, có làng hạt nhân với tầng văn hóa dày, hiện vật phong phú, kiểu làng gốc và các làng vệ tinh xung quanh, nơi tầng văn hóa mỏng, phản ánh lối cư trú không thường xuyên.
- Trong mỗi điểm cư trú xuất hiện dấu tích kiến trúc nhà lều, bếp, đôi khi là nơi chế tác công cụ đá, luyện kim loại và để mộ. Bếp ở đây có loại sử dụng đun nấu thức ăn có quy mô nhỏ, bếp của những người làm nghề thủ công quy mô lớn hơn và dấu tích bếp tạm thời qua đêm của những người thợ săn bắt. Nhìn chung, bếp có quy mô nhỏ, có thể số thành viên không nhiều, thời gian cư trú ngắn, kiểu di trú theo mùa.
Chương 4 - Khảo cổ học Tiền – sơ sử lòng hồ Plei Krông trong phối cảnh Việt Nam và Đông Nam Á - tìm hiểu mối quan hệ văn hóa giữa vùng lòng hồ với các vùng khác ở Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, miền Trung Bộ và Bắc Bộ Việt Nam cũng như tiền sử Lào, Campuchia và Thái Lan. Các tác giả cho rằng, các di tích vùng lòng hồ thủy điện Plei Krông có nét gần gũi với văn hóa Biển Hồ (Gia Lai), Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh ở vùng duyên hải Trung Bộ, đồng thời có nhiều điểm khác biệt với các di tích ở Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Trong diễn trình phát triển, tiền sử Kon Tum có quan hệ chặt chẽ với văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình và Đông Sơn Bắc Việt Nam và thời đại Kim khí Thượng Lào. Giá trị lịch sử - văn hóa nổi bật của khảo cổ học lòng hồ Plei Krông là sự hiện diện của nền nông nghiệp dùng cuốc với thành tựu trồng lúa; trung tâm luyện kim đúc đồng, rèn sắt; tham dự vào công việc phân công lao động xã hội, xác lập văn hóa Lung Leng và tạo dựng sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Tiền - sơ sử Miền Trung - Tây Nguyên vào cuối Đá mới và đầu Kim khí.
Chương 5 - Diện mạo văn hóa lịch sử vùng lòng hồ Plei Krông - phác thảo diễn trình phát triển văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Plei Krông qua các giai đoạn Đá cũ, Đá mới và Kim khí với các đặc trưng về kinh tế, tổ chức xã hội và đặc biệt là những thành tựu kỹ thuật của các cộng đồng cư dân nơi đây.
Qua kết quả khảo cổ, các tác giả cho rằng, những dấu vết thời đại Đá cũ, sơ kỳ Đá mới vùng lòng hồ còn hết sức mờ nhạt. Vào thời kỳ này, cư dân hãy còn thưa thớt, chế tác công cụ đá và tre gỗ còn thô sơ, chưa biết đến đồ gốm, săn bắt - hái lượm độc tôn. Sau hai nghìn năm, xuất hiện kỹ thuật luyện kim, chế tạo công cụ đồng, rồi công cụ sắt. Các hoạt động trồng trọt được mở rộng, có thêm lương thực dự trữ; dân số bắt đầu tăng, có sự tập hợp nhiều người dưới sự chỉ đạo chung duy nhất kiểu già làng. Những công cụ bằng sắt gắn với chiếc bễ lò rèn, chiếc khoan tay lõi vòng hạt chuỗi bằng đá nephrit, chiếc bàn xoay đồ gốm, những đồ trang sức được đúc, được rèn từ kim loại, những chiếc thuyền độc mộc, những chiếc xe có bánh có thể đã ra đời, đánh dấu con người đã bước vào xã hội văn minh.
Diễn trình phát triển văn hoá tiền - sơ sử Kon Tum về cơ bản là liên tục, luôn luôn giao thoa, tiếp xúc với các vùng đất bên ngoài, nhất là các nền văn minh lớn của Việt Nam như Đông Sơn và Sa Huỳnh, làm cho văn hoá nơi đây phong phú, đa dạng, cởi mở.
Cùng với các di tích khác ở Kon Tum, các di tích vùng lòng hồ Plei Krông là một thành tố của văn hóa Lung Leng, phân bố chủ yếu ở vùng núi thấp Sa Thầy và vùng trũng Kon Tum, tồn tại từ Đá mới muộn đến Kim khí. Cư dân văn hóa Lung Leng là những người làm nông nghiệp, biết luyện kim, chế tạo công cụ lao động bằng đồng và bằng sắt. Bước vào thời đại Kim khí, Lung Leng là một trung tâm thời đại Kim khí ở Tây Nguyên, giao lưu với văn hóa Đông Sơn trong kỹ thuật chế tạo đồ đồng với cư dân tiền sử Bắc Lào và văn hóa Sa Huỳnh trong chế tạo đồ sắt, đồ gốm và táng thức mộ chum, mộ nồi vò úp nhau. Chủ nhân văn hóa Lung Leng có thể là kết quả tiếp xúc giữa những người nói ngôn ngữ Mon-Khmer, chi Ba Na ở Kon Tum đến trước và nhóm cư dân Gia rai Arap nói ngôn ngữ Malayo-polynesien đến sau, từ cao nguyên Pleiku.
Trong di tồn văn hóa của cư dân vùng lòng hồ cần ghi nhận các dấu vết văn hóa giai đoạn lịch sử như những mảnh gốm Champa, gốm sứ Đại Việt, gốm sứ Trung Hoa, những đồ đồng kiểu Trung Á như chuông, lục lạc, muôi, các đồ trang sức, kể cả “gốm chế” và tẩu thuốc đất nung được làm tại chỗ cùng song song tồn tại. Tuy nhiên, số lượng các di vật này ít, phân bố rời rạc, chưa tạo thành một lớp văn hóa hoàn chỉnh. Đây là những dấu ấn văn hóa muộn nhất trong địa tầng vùng lòng hồ, gợi mở việc nghiên cứu tiếp xúc giao lưu văn hóa trong giai đoạn cận hiện đại.
Với 744 trang, 13 bản đồ minh họa, 152 bản vẽ và 202 ảnh màu, cuốn sách cung cấp lượng thông tin, tư liệu và kết quả nghiên cứu 9 di chỉ vùng lòng hồ khá lớn cho các nhà quản lý, nghiên cứu, giảng dạy lịch sử văn hóa Việt Nam; cung cấp cơ sở khoa học cho việc trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum, góp phần đào tạo cán bộ khảo cổ học trẻ chuẩn bị cho việc thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo của ngành khảo cổ học Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu./.
Nguyễn Thu Hà