Nhằm đáp ứng nhu cầu hiện nay về việc tìm hiểu Châu Phi và tạo tiền đề để xây dựng quan hệ hợp tác với Châu Phi và tiến tới trở thành đối tác của Châu Phi, tháng 1 năm 2008, Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho ra mắt độc giả cuốn sách “Hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu của Châu Phi” do TS. Nguyễn Thanh Hiền (Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông) chủ biên.
Với bề dày 357 trang, khổ 14,5x20,5cm, cuốn sách tập trung vào nghiên cứu các vấn đề nổi cộm nhất hiện nay của riêng Châu Phi nhưng mang tính toàn cầu. Đó chính là đói nghèo và tụt hậu kinh tế; bạo lực, xung đột vũ trang và bất ổn định chính trị; dịch bệnh và tình trạng thất học, mù chữ… Nội dung cuốn sách chia thành 3 chương. Chương I: Vị trí của Châu Phi trong hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển toàn cầu hiện nay. Trong chương này, các tác giả nêu một số nét khái quát về hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển toàn cầu và khả năng tham gia của Châu Phi. Những lợi thế và ưu điểm của Châu Phi là giàu tài nguyên thiên nhiên, bước đầu tạo được một thể chế khu vực và có Nam Phi là đầu tàu phát triển. Những vấn đề nan giải của Châu Phi hiện nay là tụt hậu về kinh tế, dịch bệnh lan tràn, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế yếu kém, năng lực giáo dục hạn chế.
Chương II nói đến hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu của Châu Phi, bao gồm các mặt xoá đói giảm nghèo và cải cách kinh tế nhằm khắc phục tình trạng kinh tế tụt hậu; tháo gỡ mâu thuẫn, giải quyết tranh chấp, ngăn chặn xung đột vũ trang, cải cách chính trị theo hướng dân chủ hoá; đấu tranh chống lại dịch bệnh, xoá mù chữ, phát triển giáo dục.
Chương III đưa ra những nhận xét, đánh giá sự hợp tác của thế giới với Châu Phi và hàm ý đối với quan hệ Việt Nam – Châu Phi.
Đặc biệt cuốn sách còn hướng vào mục tiêu tìm tòi để đưa ra một số kiến nghị về phương hướng và biện pháp nhằm triển khai, tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Châu Phi trong điều kiện Việt Nam không phải là nước lớn và cả hai đều là những nước đang phát triển, còn nghèo, còn thiếu vốn.
Việt Nam đã từng có quan hệ hữu nghị thân thiết với nhiều nước Châu Phi trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc những năm 1960 -1970. Trong thời kỳ cạnh tranh phát triển kinh tế ở quy mô toàn cầu hiện nay, tình hữu nghị đó phải được duy trì, tiếp nối phát triển và nhân lên hơn nữa. Để làm được điều đó không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường quan hệ nhiều mặt Việt Nam – Châu Phi với sự chú trọng đặc biệt vào hợp tác kinh tế - xã hội.
Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn!
Minh Thuỷ