Tộc người Mơ Nông ở Việt Nam có khoảng 70,000 người, sống tập trung tại tỉnh Đắk Nông, một phần tỉnh Bình Phước, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Lắk. Ngôn ngữ Mơ Nông thuộc hệ ngôn ngữ Môn – Khmer. Do địa bàn sinh sống xen kẻ với người Ê Đê, nên vốn từ vựng người Mơ Nông ít nhiều ảnh hưởng của tiếng Ê Đê.
“Sử thi” theo tiếng Mơ Nông là “Ot ndrong”. Trong ngôn ngữ của người Mơ Nông, Ot có nghĩa đen là cò cưa, nghĩa bóng là hát kéo dài mãi không hết; ndrong có nghĩa đen là tên một loại cây cao, dài, nghĩa bóng là xa xưa. Như vậy, Ot ndrong là hình thức hát kể các câu chuyện xa xưa của tộc người Mơ Nông.
Tác phẩm Kể gia phả sử thi Ot Ndrong gồm 6851 câu, tập trung nói về nhân vật Tiăng, bon Tiăng trong mối quan hệ (thông qua các sự kiện, biến cố) với các làng khác với hơn 100 trận đánh. Các sự kiện được miêu tả khái quát nhưng mỗi sự kiện đều đầy đủ nguyên nhân, diễn biến, kết quả. Đây cũng là một tác phẩm vừa thuộc loại hình kể gia phả, nhưng cũng mang tính chất sử thi. Nó là sự kết hợp của hai loại hình văn hóa dân gian quan trọng của người Mơ Nông.
Kể gia phả sử thi Ot Ndrong được chia thành 4 nội dung chính:
- Phần 1: Kể tên con cháu dòng mẹ Chau
- Phần 2: Lai lịch của Tiăng
- Phần 3: Lai lịch các nhân vật bon Tiăng
- Phần 4: Các trận đánh nhau của bon Tiăng
Tác phẩm Kể gia phả sử thi Ot Ndrong có thể được coi là bản tóm tắt những sự kiện, biến cố của bon Tiăng, qua đó có thể thấy được bóng dáng lịch sử của tộc người Mơ Nông qua tác phẩm này. Tác phẩm được ví như “bộ xương” của sử thi Mơ Nông, còn các tác phẩm sử thi của thể khác được ví như “phần thịt”.