Quá trình phát triển kinh tế tư nhân vùng Tây Nguyên từ năm 2011 đến năm 2020

26/12/2024

TS. Nguyễn Duy Thụy ;

Nhà xuất bản Khoa học xã hội ;

2024

351

Nghị quyết Đại hội VI của Đảng năm 1986 chính thức công nhận khu vực KTTN với việc lần đầu tiên công nhận sự tồn tại của hai nhóm thành phần kinh tế: (i), Các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa; (ii), Các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa gồm: Kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, KTTN, tự cấp, tự túc. Nghị quyết Đại hội VII của Đảng năm 1991 đã phân tách từ hai nhóm thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa và thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa thành 05 thành phần kinh tế bao gồm: Kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước. Việc khu vực kinh tế cá thể và kinh tế tư bản tư nhân được chính thức công nhận đã tạo điều kiện, tiền đề tốt hơn cho sự phát triển của khu vực KTTN. Qua các kỳ Đại hội Đảng, sự tồn tại và phát triển cũng như vai trò của khu vực KTTN dần được khẳng định và nhấn mạnh.

Khu vực Tây Nguyên nằm ở ngã ba biên giới giữa Việt Nam, Lào và Campuchia, rất gần với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ - vùng phát triển bậc nhất Việt Nam hiện nay. Tây Nguyên cũng thuận lợi trong việc kết nối với các cảng biển lớn ở miền Trung của Việt Nam. Chính vì vậy, Tây Nguyên thực sự là vùng đất giàu tiềm năng lợi thế phát triển, nhất là về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Đây chính là tiền đề cho KTTN vùng Tây nguyên phát huy vai trò của mình. Bên cạnh các tiềm năng để phát triển kinh tế, Tây Nguyên còn là khu vực có vị trí địa chính trị, an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng của Việt Nam và được ví như “xương sống, là nóc nhà của Đông Dương”. Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên cũng đồng nghĩa với nâng cao năng lực quốc phòng an ninh của đất nước.

Trong những năm qua, khu vực KTTN vùng Tây Nguyên đã được mở rộng và đa dạng hơn. Số lượng cũng như nguồn vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp vào địa bàn ngày càng tăng. Các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai có tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước khá lớn. Các tỉnh còn nhiều khó khăn như: Kon Tum, Đắk Nông đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút, tăng tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực KTTN. Thực tiễn cho thấy, việc phát triển KTTN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở vùng Tây Nguyên đã có bước phát triển đáng kể, góp phần tích cực giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội cơ bản của địa phương.

Tuy nhiên, do còn có các rào cản, nên trong những năm qua, phát triển KTTN vùng Tây Nguyên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, khu vực KTTN vùng Tây Nguyên vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng để thực sự đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Là một vùng kinh tế được xác định là có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, đặc biệt đối với công nghiệp chế biến, nhưng số liệu thống kê về KTTN trong các năm gần đây đều cho thấy Tây Nguyên hầu hết được xếp vào tốp cuối của cả nước. Đã có nhiều cách lý giải khác nhau về tình trạng kém phát triển của KTTN ở Tây Nguyên, nhưng trên thực tế cho đến nay chưa có điều kiện để hiểu sâu, toàn diện và hiểu đúng thực chất vấn đề để tìm lời giải thỏa đáng cho vấn đề này.

Trong điều kiện của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trước bối cảnh của nhiều biến động của thế giới, của khu vực và trong nước, khả năng phát triển của kinh tế tư nhân ở Tây Nguyên đến dâu và như thế nào, bằng giải pháp nào để KTTN vùng Tây Nguyên vươn lên đủ năng lực cạnh tranh, tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa, vào mạng lưới sản xuất quốc gia, toàn cầu, vào nền kinh tế tri thức,… đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, của nhiều nhà khoa học, của các doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là phải xác định rõ tính đặc thù của vùng Tây Nguyên trong bối cảnh chung của đất nước để từ đó có được bước đi và cách thức phù hợp, những yếu tố tương thích cũng như những hạn chế, bất hợp lý của vấn đề này.

Với mục đích góp phần làm sáng tỏ cho những nội dung vừa được đề cập, trong thời gian 02 năm (2021-2022), Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ: “Quá trình phát triển kinh tế tư nhân vùng Tây Nguyên từ năm 2011 đến năm 2020” do TS. Nguyễn Duy Thụy chủ nhiệm. Dựa trên nguồn tư liệu phong phú được chọn lọc, xử lí trong quá trình khảo sát thực tế, với phương pháp và lý thuyết phù hợp, đề tài đã dựng lại một cách khách quan, toàn diện quá trình phát triển kinh tế tư nhân vùng Tây Nguyên từ năm 2011 đến năm 2020; nêu bật những thành tựu cũng như những rào cản, hạn chế trong quá trình thực hiện phát triển KTTN tại vùng Tây Nguyên, từ đó đề xuất những giải pháp và kiến nghị làm cơ sở khoa học giúp cho việc hoạch định chính sách phát triển KTTN vùng Tây Nguyên theo hướng bền vững. Đề tài được nghiệm thu, xếp loại Xuất sắc.  Cuốn sách Quá trình phát triển kinh tế tư nhân vùng Tây Nguyên từ năm 2011 đến năm 2020 là kết quả của đề tài khoa học cấp bộ kể trên.

Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích đối với các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh tế học và những ai quan tâm đến vấn đề này. Nhân đây, chúng tôi xin chân thành giới thiệu các đồng nghiệp và bạn đọc gần xa

  •  
     
  •