Được sự phê duyệt của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ngày 11/11/2022, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên đã tổ chức thành công hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Khai thác giá trị các di tích lịch sử - văn hoá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên”. Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại trụ sở Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên và trực tuyến qua phần mềm Google Meating.
Trong quá trình chuẩn bị, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 100 các bài tham luận từ các Sở, ban, ngành, Huyện ủy các địa phương thuộc 05 tỉnh Tây Nguyên; các nhà khoa học ở các Viện Nghiên cứu, Học viện, trường Đại học, trường Cao đẳng trên cả nước.
Quang cảnh Hội thảo khoa học
Tham dự và chủ trì hội thảo tại đầu cầu Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên gồm có: TS. Nguyễn Duy Thụy - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên; TS. Phạm Xuân Hoàng – Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên; ThS. Đặng Gia Duẩn – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk. Hội thảo vinh dự đón tiếp các vị khách quý là đại diện Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông, Lãnh đạo Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đắk Nông, Lãnh đạo Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk, Lãnh đạo Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Lãnh đạo Trường Đại học Tây Nguyên, cùng các đại biểu đến từ các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, các Bảo tàng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, các nhà khoa học thuộc các trường Đại học, trường Cao đẳng và các doanh nghiệp trong và ngoài vùng Tây Nguyên. Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình tham dự, viết bài và đưa tin về Hội thảo. Tổng số đại biểu tham dự hội thảo 114 đại biểu (trong đó 59 đại biểu dự trực tiếp và 55 đại biểu tham dự trực tuyến).
Quang cảnh Hội thảo khoa học
Xuất phát từ những góc nhìn, với những cách tiếp cận khác nhau, từ lý thuyết đến thực tiễn, hội thảo đã làm rõ các vấn đề lý luận và kinh nghiệm trong, ngoài nước về bảo tồn và khai thác các giá trị di tích lịch sử - văn hoá phục vụ phát triển; từ đó cung cấp luận cứ, luận điểm và đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc giữa khai thác giá trị các di tích lịch sử - văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên gắn với ổn định xã hội và đảm bảo an ninh trật tự, quốc phòng vùng Tây Nguyên.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Các quan điểm trình bày trong các tham luận, các ý kiến trao đổi tại hội thảo là kênh tham khảo hữu ích đối với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền của 05 tỉnh Tây Nguyên trong việc tháo gỡ những vướng mắc giữa khai thác giá trị các di tích lịch sử - văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên gắn với ổn định xã hội và đảm bảo an ninh trật tự, quốc phòng vùng Tây Nguyên.
Thông qua hội thảo, mối quan hệ phối hợp giữa Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên với các nhà khoa học – nhà quản lý – nhà giáo dục – doanh nghiệp càng thêm thắt chặt vì mục tiêu xây dựng một Tây Nguyên phát triển bền vững và giàu đẹp.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc và khoa học, Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp. /.