Tới dự lễ có Ban Lãnh đạo Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đại diện Lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Viện Viễn Đông bác cổ (EFEO) Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cùng nhiều nhà khoa học công tác tại các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan nghiên cứu, trường học ở Hà Nội.
Trong không khí cả nước vui mừng đón chào Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cùng với các hoạt động khác của Viện Khoa học xã hội Việt Nam kỷ niệm Đại lễ, việc công bố Bản đồ Hà Nội 1831, xét dưới góc độ khoa học, đây là món quà của Viện Khoa học xã hội Việt Nam chào mừng Thủ đô Hà Nội thân yêu – Thành phố Hoà bình - nghìn năm văn hiến, thanh lịch, hào hoa.
“Hoài Đức phủ toàn đồ” hiện đang được lưu giữ và bảo quản tại Thư viện Viện Thông tin Khoa học xã hội thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, bản đồ do hai tác giả Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ năm Minh Mệnh thứ 12 (năm 1831), đây là tấm bản đồ duy nhất, không có bản sao, vẽ bằng mực nho theo phương pháp họa đồ phương Tây, trên chất liệu giấy croquis của phương Tây được du nhập vào Trung Quốc từ đời Thanh, có độ chính xác tương đối cao, mô tả khá chi tiết về Hà Nội, cả về hình thể tự nhiên lẫn các thết chế xã hội của Kinh đô Thăng Long đầu thế kỷ XIX. Tấm bản đồ này được biết đến qua bản vẽ lại năm 1956 của cụ Biệt Lam Trần Huy Bá, trong bản vẽ lại có phiên âm toàn bộ chú thích của bản đồ từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ. Tấm bản đồ này đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của các nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội và các cấp lãnh đạo và người làm tư vấn chính sách.
Tại Lễ công bố, các nhà sử học, Hán Nôm học và văn hóa học đã giới thiệu những kết quả nghiên cứu bước đầu về niên đại, đặc điểm, địa danh lịch sử và những nội dung chính của Bản đồ Hà Nội 1831: đặc trưng địa hình, chu vi, diện tích; đặc trưng kiến trúc, hệ thống địa danh kèm theo các đơn vị hành chính…; về lịch sử hình thành các cửa ô, tên gọi và cách phân bố cụ thể của từng cửa ô ở kinh thành Thăng Long…
Các nhà khoa học bày tỏ mong muốn tiếp tục được tiếp cận và nghiên cứu khai thác các giá trị của bản đồ; tìm ra giải pháp công nghệ hữu hiệu để gia cố, tu bổ, bồi vá, ngăn chặn tình trạng hư hỏng của bản đồ; khôi phục lại nguyên trạng và bảo tồn lâu dài, bền vững tấm bản đồ để có được những phân tích mới và phát hiện mới trong các công trình khoa học về Hà Nội những năm đầu thế kỷ XIX, góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội nói riêng và Tổ quốc Việt Nam nói chung, phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa và lịch sử mà các thế hệ cha ông đã gìn giữ.
“Hoài Đức phủ toàn đồ” được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội trưng bày nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Hằng Nga