Hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm có
trách nhiệm tổ chức thực hiện việc dẫn dắt cụ rùa Hồ Gươm về chân Tháp Rùa và bể
lưu giữ để chữa trị; trực tiếp thực hiện các công việc khám, lấy mẫu, xét
nghiệm, chẩn đoán, chữa trị những thương tổn của cụ rùa; đảm bảo các điều kiện
về an toàn, môi trường và chăm sóc sức khỏe cụ rùa trong quá trình chữa trị.
UBND TP yêu cầu, trường hợp cần
thiết, Hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm sẽ mời các chuyên gia nước ngoài có kinh
nghiệm để tham gia khám, chữa trị, chăm sóc cho cụ rùa.
Trước đó, sau phiên họp ngày 25/2, nhiều Sở, ban,
ngành của Thành phố Hà Nội đã nhận được nhiệm vụ cụ thể của mình trong kế hoạch
tổng thể cứu cụ rùa. Các đơn vị được giao nhiệm vụ cũng đã gửi phương án và các
bước triển khai cụ thể đến Ban chỉ đạo khẩn cấp cứu cụ Rùa Hồ Gươm.
c
|
|
Sáng 28/2, trao đổi với VietNamNet, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà
Nội phân trần: “Tôi đã làm việc lại với ban chỉ đạo khẩn cấp cứu cụ rùa về việc
này. Ngành y tế chỉ có thể xử lý những vấn đề liên quan đến sức khỏe con người
chứ không chữa bệnh cho động vật. Rùa Hồ Gươm trước hết vẫn là rùa và vì thế
việc chữa trị cho cụ phải được chuyển cho bên thú y mới đúng chuyên môn”.
Tuy vậy, ông Tuấn khẳng định Sở Y tế Hà Nội cũng
là đơn vị có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị khác để thực hiện kế hoạch cứu
cụ rùa nên ông đã “giao nhiệm vụ cho một Tiến sĩ da liễu, hiện là Phó Giám đốc
bệnh viện Da liễu Hà Nội” để phối hợp với bên thú y chẩn đoán, xem xét cách thức
chữa các bệnh ngoài da cho cụ trong trường hợp cần thiết.
Theo PGS.TS Hà Đình Đức – người có nhiều năm
nghiên cứu về cụ rùa và hiểu sâu đặc điểm của rùa Hồ Gươm – thì bệnh ngoài da
của rùa và của người cũng có thể có những điểm gần nhau, vì thế có thể huy động
bác sỹ da liễu (bên y tế) tham gia chẩn đoán, chữa trị cùng bên thú y. Nhất là
trong điều kiện hiện nay thì kiếm đâu ra bác sỹ rùa?
Nhưng theo ý kiến của một chuyên gia hàng đầu về
da liễu, hiện đang công tác tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, để chữa cho cụ rùa
cần hiểu rõ sinh thái động vật, không thể dùng thuốc chung cho cả người lẫn rùa.
Vì thế, giao nhiệm vụ xác định bệnh, chữa trị bệnh của cụ rùa cho bác sỹ thú y
hoặc các bác sỹ trong ngành hải dương học mới là chính xác.
Trong chiều 28/2, VietNamNet đã liên hệ
với Văn phòng UBND Thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội, Chi
cục thú y Hà Nội để tìm hiểu tiếp về vấn đề chẩn bệnh, chữa bệnh cho cụ cũng như
mốc thời gian đưa cụ lên bờ, nhưng chưa có câu trả lời.
Ngay sau khi chốt phương án cứu cụ rùa là đưa cụ
lên chân tháp để khám bệnh, thì sau đó một ngày, Hồ Gươm bắt đầu được nạo vét,
làm sạch để trả lại sự trong lành cho nguồn nước.
Theo khảo sát của lãnh đạo Chi cục Thủy sản Hà
Nội cùng một nhà khoa học, mức nước hồ hiện đang rất thấp, chỗ sâu nhất chỉ đạt
95 cm trong khi các chỗ còn lại chỉ sâu 40-50 cm.
N.A