Độc chiêu săn hàng hiệu... giá rẻ

05/12/2024
Khác với thế hệ đi trước là cứ ra shop, nhìn thấy sản phẩm, thích thì mua, không thì thôi, nhiều người trẻ chọn phương án truy cập internet, tìm hiểu giá cả và so sánh nhiều nơi bán hàng rồi mới quyết định mua.
- Nhu cầu mua sắm và tiêu dùng hàng cao cấp, hàng có thương hiệu đang ngày càng tăng. Nếu có kỹ năng "đi săn", không cần phải tiêu tốn quá nhiều tiền bạn vẫn có thể sở hữu những sản phẩm hàng hiệu chính hãng với giá phù hợp mới mức thu nhập của mình.
 


Cứ tiền triệu mới là hàng hiệu?
 
Nhiều người quan niệm rằng, hàng hiệu là phải đắt, phải có tiền triệu mới "dám sờ" hàng hiệu. Trên thực tế có không ít các dòng sản phẩm hàng hiệu chính hãng có giá "mềm" như Adidas, Miss Sixty. Thậm chí chỉ cần hơn trăm nghìn là bạn đã sở hữu một chú gấu hàng hiệu Teddy.
 
Chị Phạm Hồng, chủ một shop thời trang chuyên bán hàng cao cấp cho biết không cớ gì hàng từ Mỹ mới là hiệu: "Những thương hiệu thời trang của Singapore, Malaysia như Charles & Keith, Bonia, Carlorino, Nose, Noir …cũng rất có tiếng mà giá mềm hơn rất nhiều, phù hợp với người tiêu dùng bậc trung, đặc biệt là giới trẻ".
 
Kinh nghiệm nhiều năm của chị Hồng cho thấy, người Việt khi mua hàng rất chuộng thương hiệu. Sở dĩ các dòng sản phẩm của Burberry, Louis Vuitton, Channel, Gucci... có giá lên đến cả chục triệu, thậm chí cả trăm triệu nhưng vẫn được nhiều người ưa dùng vì "chỉ cần nhìn cái mác là người ta đã biết hàng hiệu".
 
Nếu có kỹ năng "đi săn", không cần phải tiêu tốn quá nhiều tiền bạn vẫn có thể sở hữu những sản phẩm hàng hiệu chính hãng với giá phù hợp mới mức thu nhập của mình.
  "Nếu xem chất liệu, mẫu mã thì hàng nội chưa chắc hàng nội đã kém hàng ngoại, thậm chí giá "dễ thở" hơn rất nhiều. Nhưng hàng ngoại vẫn được chuộng hơn vì chỉ cần nhìn logo của LV hay Gucci người ta biết ngay tôi đang mặc hàng hiệu", chị Hồng nói.
 
Trong suy nghĩ của nhiều người, chỉ có hàng nước ngoài mới là hàng hiệu. Còn các mặt hàng chất lượng cao, thương hiệu nổi tiếng trong nước như Việt Tiến, Việt Thy, Nino Max, PT2000,...vẫn chưa được thừa nhận là hàng hiệu. Tuy nhiên, ranh giới giữa "hiệu" hay "không hiệu" cũng chưa thực sự rõ ràng.
 
Diệu Linh (ĐH Ngoại thương Hà Nội) chia sẻ: "Mình thấy đồ của Nino Max, PT2000 hay Blue Exchange cũng có nhiều cái độc và đẹp. Chất mềm mà giá thành thì rất phù hợp với túi tiền của sinh viên. Mình cũng rất thích dùng hàng hiệu, nhưng chưa làm ra tiền nên hàng ngoại với mình vẫn là đồ xa xỉ".
 
"Mỗi khi chọn mua một món đồ đắt tiền mình phải cân nhắc thật kỹ xem mình có thực sự cần nó không, mình có dùng được nhiều không. Ví dụ như khi mua một chiếc túi xách xịn chẳng hạn, phải chắn chắn là mình có thể dùng nó với nhiều phong cách quần áo khác nhau và sử dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau", Diệu Linh nói thêm.
 
Độc chiêu săn hàng

 
Nhã Chi, nhân viên một công ty du lịch trên phố Huế, có mức thu nhập chưa đến 10 triệu đồng một tháng nhưng từ nước hoa, quần áo, túi xách, giày dép của cô nàng đều là đồ hiệu. Nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi biết Chi mỗi tháng "tậu" một, hai món đồ mà vẫn đủ tiền cho sinh hoạt bình thường xăng xe, ăn trưa, cafe, cũng không phải xin thêm "trợ cấp" từ gia đình.
 
Sở dĩ như vậy là vì Chi chịu khó "chầu trực" trên mạng để "săn" hàng. Có những sản phẩm Chi mua được giá rẻ hơn ngoài shop từ 30-50%.
 
Chi hào hứng: "Chịu khó dành thời gian lướt web, kiếm mối lấy hàng từ nước ngoài về. Xem nhiều để so sánh chỗ nào giá mềm hơn thì đặt hàng. Đặc biệt vào kỳ nghỉ hè, đặt hàng du học sinh là giá hời nhất. Có lần mình mua được chiếc kính Gucci hàng xách tay từ Mỹ với giá gần 2 triệu đồng, trong khi ở Vincom bán hơn 5 triệu"
 
Cách đặt hàng trực tiếp trên mạng hoặc thông qua trung gian như Chi hiện nay rất phổ biến. Khác với thế hệ đi trước là cứ ra shop, nhìn thấy sản phẩm, thích thì mua, không thì thôi, nhiều người trẻ chọn phương án truy cập internet, tìm hiểu giá cả và so sánh nhiều nơi bán hàng rồi mới quyết định mua.
 
 "Mua hàng online tiết kiệm hơn nhiều so với ra ngoài shop. Tuy nhiên vì không xem được trực tiếp món hàng nên mua đồ trên mạng cũng giống như trò đỏ đen, việc lừa lọc nhau xảy ra như cơm bữa. Tốt nhất là chỉ nên đặt hàng ở những mối quen, những người buôn bán lâu năm, uy tín", Quỳnh Phương, chủ một shop hàng hiệu trên enbac bật mí.
 
Nhiều người trẻ chọn phương án truy cập internet, tìm hiểu giá cả và so sánh nhiều nơi bán hàng rồi mới quyết định mua.
Theo chị Phương, để mua được sản phẩm chính hãng cần phải có kiến thức, am hiểu về sản phẩm. Ví dụ trước khi mua một chiếc túi của LV, bạn nên vào website chính thức của LV để tham khảo giá, đọc thông tin về sản phẩm, hỏi người có kinh nghiệm cách phân biệt với hàng fake (nhái). Sau đó so sánh với sản phẩm tìm được trên shop online, nếu mọi thông tin đều đúng, giá thành rẻ hơn thì mới đặt hàng.
 
Chị Phương cũng bật mí, các thương hiệu thời trang nổi tiếng thường có chương trình giảm giá vào những ngày lễ lớn như Giáng sinh, Lễ tạ ơn. Nếu chịu khó theo dõi tình hình và nhanh chân một chút thì đến mùa sale off (giảm giá) có thể sở hữu sản phẩm nổi tiếng được giảm giá đến 70-80%.
 
"Cũng có nhiều người thích đi lùng hàng cũ, hàng secondhand. Thường thì hàng loại này vẫn mới đến 90% mà giá thành chỉ còn hơn nửa", chị Phương nói.
 
Quyết định tiêu dùng là của mỗi cá nhân. Việc tiêu dùng hàng hiệu sẽ là nhu cầu chính đáng nếu thứ hàng bạn mua hữu dụng, hợp thời và nhất là hợp với túi tiền. Tinh ý một chút, bạn hoàn toàn có thể sở hữu những bộ quần áo hàng hiệu chính hãng, những loại mỹ phẩm danh tiếng mà không cần phải có thu nhập cao.
 
  •  La Hoàn
 

Tác giá: QuangGame

Nguồn: VietNamNet

  •  
     
  •