Tọa đàm khoa học “Chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”

08/04/2022
Ngày 7/4/2022, Báo Nhân dân phối hợp cùng Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Tọa đàm khoa học “Chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”

Tham dự và chủ trì Tọa đàm khoa học gồm có: Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Điểu Kré - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông. Tọa đàm khoa học còn đón tiếp đại biểu là đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, các trường Đại học, các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Đại diện Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên tham dự tọa đàm là TS. Nguyễn Duy Thụy - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên.

Quang cảnh Tọa đàm

Chuyển đổi số là yêu cầu, đòi hỏi khách quan, là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng không thể đứng ngoài cuộc khi ngày càng  hội nhập sâu rộng và tham gia các hiệp định thương mại mới. Đối với khu vực có nền kinh tế chủ đạo là sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng Tây Nguyên không chỉ tại thời điểm hiện tại mà còn trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Duy Thụy trình bày tham luận tại Tọa đàm

Trình bày tham luận tại Tọa đàm khoa học, TS. Nguyễn Duy Thụy – Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, đã xác định việc chuyển đổi số trong nông nghiệp được chính quyền các tỉnh Tây Nguyên quan tâm từ năm 2020 và đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định. Một số địa phương như tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng được những nền tảng nhất định để triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tuy nhiên, chuyển đổi số ngành nông nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên mới chỉ là bước đầu, còn một số hạn chế trong xác định chiến lược, kế hoạch triển khai chuyển đổi số; hạn chế trong tư duy; hạn chế trong xây dựng và sử dụng dữ liệu số phục vụ công tác quản lý, quy hoạch và dự báo; hạn chế về nguồn lực, tính liên kết… Trên cơ sở kết quả thực hiện và những hạn chế  trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, TS. Nguyễn Duy Thụy đã đề xuất năm nhóm giải pháp góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp Tây Nguyên.

Tọa đàm cũng đã lắng nghe các tham luận, ý kiến trao đổi về thực trạng, điểm nghẽn và đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh hiệu quả chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Tọa đàm đã kết thúc thành công tốt đẹp. /.

Các tin khác:

  •  
     
  •