Phê bình – đối với một tác phẩm – phải là một cái gì đó khuấy động cái đẹp

06/07/2012
Ngày 7 tháng 6 năm 2012, tại Viện Văn học 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Những vấn đề của phê bình văn học đương đại Mỹ” nhân dịp đoàn nhà văn của Trung tâm viết văn Quốc tế thuộc trường Đại học Iowa (Mỹ) sang thăm và làm việc với Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam.

Christopher Merrill đã nhận được giải thưởng Nhà thơ trẻ I.B. Lavan của Viện Thi nhân Mỹ. Ông đã nhận được danh hiệu Giáo sư danh dự William H. Jenks về Văn học Đương đại tại Đại học Holly Cross, và hiện đang chỉ đạo Chương trình Viết văn thơ Quốc tế tại Đại học Iowa. Mở đầu buổi tọa đàm, GS. Christopher Merrill đã trình bày khái quát lịch sử phê bình văn học hiện đại Mỹ, bắt đầu bằng phê bình Mới những năm 50 của thế kỷ XX, bước ngoặt lý thuyết phê bình những năm 60 và sự phát triển đa dạng của phê bình văn học Mỹ đương đại.

Đỗ Thị Mai

Các nhà thơ John Davis, Jane Mead và Eleni Sikelianos trình bày sâu hơn về sự phân hóa giữa phê bình hàn lâm và phê bình truyền thông, vị trí và tác động mạnh mẽ của phê bình truyền thông tới công chúng văn học; mối quan hệ qua lại giữa phê bình và thơ ca, phê bình hàn lâm với sự phát triển của những chủ nghĩa “hậu”, nhất là hậu cấu trúc và hậu thực dân. Các nhà thơ cũng nhận định Trường phái Hậu cấu trúc luận và Hậu thực dân đã ảnh hưởng không nhỏ đến sáng tác văn học Mỹ đương đại.

Cuối những năm 60, đầu 70 của thế kỷ XX xuất hiện một trào lưu sáng tác loại trừ ngôn ngữ ra khỏi thi ca, lối làm thơ xóa bỏ cú pháp; tức bài thơ là tập hợp những mớ ngôn ngữ đơn lẻ, giúp đồng thời người viết và người đọc cùng tham gia sáng tác bài thơ đó. Thi ca trở nên đậm chất nhạc. Đối với thi ca thì nhạc tính là quan trọng nhất: cấu trúc, điệp tính, điệp từ… Những cấu trúc thơ tự do nhất lại mang tính chặt chẽ nhất. Điều thú vị của ngôn ngữ thơ chính là truyền đạt tâm trạng của chính mình theo những cách bất ngờ nhất. Nhận định về trường phái thơ phi cú pháp, nhà thơ Jean Mead chia sẻ đầy hóm hỉnh: đây là lối viết thơ căng thẳng, đôi lúc buồn tẻ, nhưng nhạc tính đôi lúc vút lên từ đống tro tàn giúp nhà thơ thể hiện sự tự do, thoát ra khỏi chính mình. Và phê bình văn thơ chính là cách người ta đi tìm và tìm thấy những khe hẹp giữa các viên gạch, và rồi sẽ tìm thấy những bí ẩn trong đó.

Tọa đàm giành nhiều thời gian để thảo luận xoay quanh các vấn đề như xu hướng trường phái chiếm ưu thế phê bình hiện đại văn học Mỹ, giảng dạy văn học trong nhà trường, trường phái làm thơ phi cú pháp, đặc trưng loại hình thơ, địa vị của phê bình truyền thông, nhất là trên các tờ báo có uy tín; không gian cho văn học và phê bình văn học ở Mỹ v.v.

 

Tác giá: Đỗ Thị Mai

Nguồn: Đỗ Thị Mai

  •  
     
  •