Tâm nguyện gửi Hội nghị TƯ: Mong chọn lãnh đạo xứng tầm

03/10/2024
Trong bài góp ý với Đảng mới đây, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mong mỏi Đại hội sẽ chọn được người đứng đầu Đảng và các vị trí trọng trách là những gương mặt ưu tú, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

>> Loạt bài đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI

Những ngày này, không khí xã hội đang nóng lên khi Đại hội Đảng, nơi quyết định con đường đi của dân tộc trong 5, 10 năm và tương lai xa hơn sắp diễn ra.

Rất nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và xây dựng đã được gửi tới các cơ quan hữu trách để góp ý cho các dự thảo văn kiện Đảng. Nhưng có lẽ, câu hỏi mà toàn thể nhân dân Việt Nam đau đáu nhất vẫn là: Liệu Đại hội lần này có bầu chọn được những gương mặt lãnh đạo xứng tầm để chèo lái con tàu Việt Nam đi về phía trước trong một thời đại đầy cơ hội nhưng cũng không ít cạm bẫy?

 

Mô tả ảnh.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Trang thông tin điện tử Đại hội XI

Câu hỏi đó càng trở nên bức thiết hơn nữa khi hôm nay, Hội nghị Trung ương bắt đầu nhóm họp, mà một trong những trọng tâm bàn thảo là công tác nhân sự.

Trong những dịp hầu chuyện vài vị lão thành cách mạng, trao đổi ý kiến với nhiều đảng viên, có một luồng ý kiến cho rằng: Nếu Đại hội bầu được người đứng đầu Đảng và các vị trí trọng trách có bản lĩnh và phẩm chất xứng đáng, thì các văn kiện dù hay hay dở cũng không thành vấn đề lắm. Vấn đề nhân sự mới là quyết định.

"Phải có quy hoạch nhân sự 3 khóa tiếp theo, không thì cũng phải 2 khóa. Có vậy mới tránh được bị động, lúng túng "giật gấu vá vai".

Bộ Chính trị khóa X nếu được tái cử thì số trẻ nhất cũng 62 tuổi, đến Đại hội khóa XII tuổi đời là 67 tuổi. Nếu không mạnh dạn đưa tiếp vào Bộ Chính trị số cán bộ tuổi còn trẻ dưới 60 thì đến Đại hội XII càng lúng túng và gặp không ít khó khăn cho công tác nhân sự lãnh đạo chủ chốt".

Nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương 

Bởi như chiêm nghiệm của nguyên Thứ trưởng Mai Liêm Trực: "Một quốc gia muốn đi lên nhanh có 3 yếu tố về lãnh đạo: mạnh, sạch và có tầm nhìn... Nếu thiếu một trong ba yếu tố đó, thì hoặc dân tộc đó phát triển túc tắc hoặc bất hạnh".

Ông Lý Quang Diệu, lãnh tụ lập quốc của Singapore thường nói rằng: yếu tố quyết định cho sự phát triển thần kỳ của đảo quốc Sư tử chính là năng lực của các vị trí đứng đầu. Cán bộ cấp lãnh đạo phải có được ba phẩm chất, đó là khả năng phân tích, trí tưởng tượng, năng lực tư duy tốt và nắm bắt thực tế.

Những nhà lãnh đạo phải được cọ xát với thực tiễn, trưởng thành từ thực tiễn với những “sản phẩm” cụ thể khẳng định tài năng lãnh đạo của mình, đó chính là thước đo năng lực phẩm chất chứ không phải là những tiêu chí chung chung.

Vậy trong hoàn cảnh của Việt Nam, người lãnh đạo cần đáp ứng những phẩm chất, tiêu chí gì để thực sự trở thành "niềm tự hào của dân tộc Việt Nam"?

Tâm lý chung của một số giới ở Việt Nam không khỏi hi vọng có một ngày sẽ có một nhân vật kiệt xuất tầm cỡ Hồ Chí Minh xuất lộ để đưa dân tộc Việt tới đỉnh vinh quang như trong quá khứ.

Song, đó là một đòi hỏi duy ý chí bởi những nhân vật tầm cỡ lãnh tụ là hiện tượng hiếm hoi chỉ xuất hiện vài lần trong suốt chiều dài lịch sử thăm thẳm của mỗi dân tộc.

Nhưng trí tuệ của một dân tộc hoàn toàn có thể phát hiện và lựa chọn được những nhà lãnh đạo đáp ứng được đòi hỏi của thời đại mà dân tộc ấy đang sống.

 

"Trong sự nghiệp Đổi mới, chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng Đổi mới".

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An

Nếu làm một cuộc thăm dò bỏ túi trong các cán bộ, đảng viên và nhân dân thì có lẽ những tiêu chí hàng đầu được chọn sẽ không phải là lập trường, tư tưởng chung chung mà là những phẩm chất đã từng được các cựu lãnh đạo cao cấp, các lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức phát biểu công khai.

Đó là người lãnh đạo thể hiện rõ bản lĩnh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, có tư duy đổi mới mạnh mẽ, có khả năng tập hợp trí tuệ của dân tộc, có tinh thần quyết đoán, biết nắm bắt được thời vận, biết đi theo xu hướng tiến bộ của nhân loại, của thế giới hôm nay.

Một nhà lãnh đạo như thế, sẽ phải đầy sức trẻ, không chỉ trong sinh lực mà còn trong tư duy và hành động.

Làm thế nào để tìm và chọn được những người lãnh đạo như thế?

Câu trả lời cũng đã được những người trong cuộc, những người từng nắm giữ trọng trách lãnh đạo như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An giải đáp: tranh cử trong nội bộ Đảng.

"Cán bộ không thể thụ động đợi phân công, phải có tranh cử công khai, nhiều người lựa chọn, bầu cử dân chủ, từ dưới lên trên. Có như thế, khi ở vị trí đó, anh tự tin, mọi người tin theo.

Dũng khí, sáng tạo, tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh, xả thân vì dân tộc, có trí tuệ và tầm nhìn… phải được thể hiện bằng chương trình hành động có sức thuyết phục".

Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Mai Liêm Trực

Bằng kinh nghiệm hoạt động chính trường hàng chục năm, ông Nguyễn Văn An tin rằng, trong bối cảnh thực tế của Việt Nam hôm nay, vẫn có thể "tổ chức tranh cử minh bạch nếu khuyến khích để các ứng viên trình bày quan điểm độc lập trong cương lĩnh chính trị, trong chiến lược kinh tế, trong báo cáo chính trị, về đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân và chủ trương giải pháp. Cái quan điểm độc lập này của từng ứng viên rất quan trọng vì nó chính là cái để các ứng viên thuyết phục mọi người và để mọi người có điều kiện so sánh, lựa chọn".

Có thể, tranh cử sẽ chưa phải là lựa chọn của Đại hội Đảng sắp tới. Nhưng giống như Quốc hội đã từng truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn và thảo luận chiến lược, người dân, hơn lúc nào hết, mong mỏi sẽ được chứng kiến phiên bầu chọn của Đại hội qua màn ảnh, khi các nhân sự dự kiến trình bày chương trình hành động và cam kết của mình.

Chắc chắn triệu triệu người dân sẽ yêu mến dõi theo, và thêm tin cậy ở Đảng, khi Đảng không coi việc Đảng chỉ là việc của mình mà là "việc của Dân, việc của Quốc gia".

Chưa bao giờ, Việt Nam đứng trước những cơ hội lớn lao để vượt lên, trở thành một quốc gia phát triển như hiện nay. Thời vận ấy đã được đánh đổi bằng hàng triệu sinh mạng, bằng mồ hôi, nước mắt và những trả giá đau đớn khác của toàn dân tộc.

Không thể phủ nhận, Đảng đã đóng vai trò lãnh đạo đất nước để tạo ra thời vận ấy. Nhưng dân tộc Việt Nam có nắm bắt được thời vận ấy để bước lên đẳng cấp phát triển mới hay chìm sâu trong tụt hậu hay không, một lần nữa, hoàn toàn nằm trong tay Đảng.

Tác giá: QuangGame

Nguồn: VietNamNet

  •  
     
  •