Trung Quốc là một nước lớn, dân số đông, có bề dày lịch sử và văn hoá. Trung Quốc hiện đang tiến hành công cuộc cải cách và mở cửa một cách toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là phương châm nhằm thích ứng với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc là một nước chưa có truyền thống pháp chế, dân chủ và hiện là một quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền. Vì vậy, việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Trung Quốc vừa mang những đặc trưng phổ biến vừa có những yếu tố đặc thù. Việt Nam là nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, vì vậy, việc tìm hiểu và nghiên cứu về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Trung Quốc có ý nghĩa gợi mở nhất định đối với Việt Nam.
Sách dày 351 trang, khổ 14,5x20,5cm, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành tháng 5/2008, PGS.TS. Đỗ Tiến Sâm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc làm chủ biên. Ngoài phần mở đầu và kết luận, cuốn sách được chia thành 5 chương. Chương I nêu những nhận thức về sự cần thiết phải xây dựng nhà nước pháp quyền và về những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; trình bày quan điểm cơ bản của Trung Quốc về nhà nước pháp quyền. Chương II hoàn thiện chế độ đại hội đại biểu nhân dân và hệ thống pháp luật. Chương III khái quát về hệ thống tổ chức hành chính nhà nước; những nguyên tắc cơ bản của quản lý hành chính nhà nước; cải cách bộ máy hành chính nhà nước và thực hiện hành chính theo pháp luật. Chương IV cải cách, hoàn thiện thể chế tư pháp và thực hiện tư pháp công bằng trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Chương V cải cách, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng.
Ngoài ra, cuốn sách còn có phần phụ lục về Hiến pháp nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã được hội nghị lần thứ 5 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ngày 4 tháng 2 năm 1982 thông qua.
Xin trân trọng giới thiệu!
Minh Thuỷ